Thị trường bán lẻ Việt Nam: Phải chấp nhận cạnh tranh
Sáng 18-5, tại Diễn đàn “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và Thách thức”, nhiều đại biểu cảnh báo các nhà bán lẻ Việt Nam, đã hết thời chờ hỗ trợ, nếu nỗ lực không cạnh tranh thì doanh nghiệp phải chấp nhận phá sản, đẩy khỏi thị trường.
Diễn đàn thu hút gần 500 đại biểu đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển thương mại nói chung và thương mại bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nói riêng, trong đó có cả các chủ đề về hậu cần thương mại, vận chuyển, kho bãi và bảo mật cũng như các xu thế mới trên thế giới tác động đến thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh với nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là đã lọt vào top 5 thị trường bán lẻ tốt nhất châu Á, đứng thứ 28 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Nếu như năm 2008, cả nước mới có 386 siêu thị thì đến nay con số này đã là gần 800 siêu thị. Dự kiến, theo quy hoạch đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
Cùng với đó, hành vi tiêu dùng của người dân cũng dần thay đổi theo xu hướng hiện đại, từ việc mua sắm hàng ngày ở các chợ truyền thống sang mua sắm khối lượng lớn ở các siêu thị, trung tâm thương mại để phục vụ cả tuần cho gia đình. Đây chính là động lực để sự dịch chuyển từ kênh bán lẻ truyền thống sang hiện đại diễn ra nhanh hơn.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mặc dù có nhiều cơ hội và lợi thế nhưng sức ép cạnh tranh của các nhà phân phối nước ngoài đang ngày càng lớn cùng với lộ trình mở cửa lĩnh vực phân phối. Các doanh nghiệp thương mại có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng phát triển do tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu nổi tiếng và kinh doanh bài bản đang thực hiện thôn tính các doanh nghiệp và thương hiệu Việt Nam bằng cách mua bán sáp nhập.
Từng là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới
Năm 2008, Việt Nam từng được A.T.Kearney, một công ty tư vấn hàng đầu về bán lẻ, đánh gíá là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, hơn cả Hồng Công, Trung Quốc Singapore hay Malaysia. Nhưng sau đó, Việt Nam đã rớt xuống hạng 5 vào năm 2009, thứ 14 vào năm 2010, thứ 23 vào năm 2011, thứ 28 vào năm 2014. Và hiện tại, thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 41 trên thế giới.
Lý giải về điều này, TS Lê Huy Khôi – Viện Nghiên cứu Thương mại – Bộ Công thương cho rằng, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn đã làm suy giảm cả sản xuất và tiêu dùng. Sức mua giảm sút khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất và hoạt động cầm chừng, sa thải nhân công, dẫn đến thu nhập các hộ gia đình giảm sút.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào và duy trì hoạt động cho một cơ sở bán lẻ hiện đại cao dẫn tới hiệu quả kinh doanh thấp, vay vốn ngân hàng khó khăn, khả năng chiếm lĩnh thị trường hạn chế… Trong khi, các doanh nghiệp FDI được sự hỗ trợ tiếp sức của công ty mẹ nên họ trường vốn, vì thế có thể chịu lỗ năm đến bảy năm, thì với doanh nghiệp trong nước không chỉ mỏng vốn mà với cơ chế tài chính hiện tại, chỉ cần lỗ hai đến ba năm liên tục đã không có vốn để hoạt động, ông Lê Huy Khôi phân tích.
Các số liệu thống kê cũng chỉ rõ, doanh số bán lẻ, kinh tế Nhà nước chiếm khoảng 10%, ngoài Nhà nước chiếm 86%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 4%. Nhưng đáng lưu ý, tuy các điểm bán lẻ của doanh nghiệp FDI chỉ có khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước song doanh số bán ra tại một điểm gấp ba, bốn lần, thậm chí gấp bảy, tám lần so với một điểm của các siêu thị nội, do quy mô lớn.
Hết thời hỗ trợ, không cạnh tranh sẽ bị loại
Ở góc về cạnh tranh, TS Ngô Tuấn Anh – Đại học Kinh tế Quốc dân cảnh báo, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đẩy khỏi thị trường sân nhà, nếu không nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ kéo theo hàng hoá của họ vào Việt Nam, chẳng hạn hàng của Thái Lan, chất lượng không kém Việt Nam trong khi giá lại rẻ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm.
TS Ngô Tuấn Anh cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp của ta kinh doanh thiếu tính chuyên nghiệp, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tâm lý làm ăn chộp giật, mạnh ai nấy bán, cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới tất cả đều phát triển manh mún, thiếu bài bản. “Thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ là điểm yếu của doanh nghiệp nội địa”, TS Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo các cam kết quốc tế đến tháng 1-2015, thị trường bán lẻ Việt Nam mới phải mở cửa hoàn toàn để các doanh nghiệp trong nước có đủ thời gian phát triển lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Trong thời gian dài trước đó, các doanh nghiệp bán lẻ đã luôn nhận được sự quân tâm, ưu ái, bảo hộ cao từ Nhà nước. Song thực tế hiện nay đã có nhiều siêu thị nội sau khi được “ưu ái” phát triển, rồi mang bán đi, như Fivimart bán 30% cho Tập đoàn Aeon. Vì vậy, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Việt Nam cho rằng: “Chúng ta tự hại mình là 70%, còn sức ép từ doanh nghiệp ngoại chắc chỉ có 30%. Hiện dư địa hỗ trợ không còn nữa rồi, nếu không cạnh tranh thì doanh nghiệp phải chấp nhận phá sản”.
Ở góc độ Nhà nước, ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương lưu ý thêm, trong kế hoạch tiếp tục phát triển hàng Việt Nam mà Bộ Công thương trình và Thủ tướng đã phê duyệt, có hẳn một chương trình giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng bản đồ mạng lưới phân phối 63 tỉnh thành. “Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp với tái cơ cấu ngành, lĩnh vực”, ông Dương Duy Hưng nói.
Cùng với đó, cần tập trung phát triển mạnh một số ngành sản xuất ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ để cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển một số ngành có khả năng lan tỏa nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các ngành khác cùng phát triển.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()