Thị trấn Thất Khê vững bước trên chặng đường đổi mới
LSO-Năm nay, kỷ niệm 66 năm ngày giải phóng (10/10/1950 - 10/10/2016) và 55 năm ngày Bác Hồ lên thăm Thất Khê, Đảng bộ và nhân dân thị trấn có nhiều niềm vui với những thành tựu trong phát triển.
Những ngôi nhà khang trang tại khu 4, thị trấn Thất Khê |
Vang bóng một thời
Là nơi hội tụ “3 sông, 7 suối” làm nên sự phì nhiêu của khu vực lòng chảo; là điểm giao của các quốc lộ như 3B, 4A, đường tỉnh 226 đi Bình Gia, Bắc Sơn; là đầu mối đến cửa khẩu Nà Nưa, từ xưa, Thất Khê đã nổi tiếng với câu “Thất Khê gạo trắng, nước trong/Ai lên đến đó chẳng mong ngày về”. Ngay từ năm 1925, xác định vị trí quan trọng của Thất Khê trong phát triển khu vực, tháng 9/1925, cùng với thành lập thị xã Lạng Sơn, người Pháp đã có ý định thành lập thị xã Thất Khê. Tuy nhiên do nhiều điều kiện khác nhau, Thất Khê không thể thành thị xã như mong muốn.
Chiến dịch biên giới năm 1950, cùng với Đông Khê, Cao Bằng, Thất Khê nổi tiếng với trận thắng lớn, giải phóng toàn bộ khu vực biên giới, giải tỏa thế bao vây giữa nước ta với các nước XHCN, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp vào giai đoạn mới – giai đoạn chủ động phản công. Sau ngày hòa bình lập lại, Thất Khê đã được Bác Hồ khen ngợi khi Người đến thăm ngày 21/2/1961. Đất và người Thất Khê đã đóng góp quan trọng vào cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy vậy, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một huyện thuần nông, trong những năm tháng thời bao cấp, Thất Khê vẫn là nơi chậm phát triển với tình trạng “phố xen làng, nhà xen chuồng”. Người dân ở đây vẫn quen vừa buôn bán, vừa làm nông nghiệp theo tính chất tự cung tự cấp. Những nghề truyền thống như rèn, đan lát, làm bún, bánh… được thực hiện với quy mô gia đình. Một số gia đình buôn bán, dịch vụ cũng chỉ mở cửa hàng với quy mô nhỏ như lợn quay, thịt quay, phở chua… phục vụ khách dừng chân và người dân sở tại…
Vươn lên trong thời kỳ mới
Như chàng trai sung sức đã thoát khỏi manh áo chật của thời bao cấp, người dân Thất Khê đã tự tin bước vào cơ chế thị trường; khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về địa lý, giao thông, sản vật và cả những kinh nghiệm, bài học trong quá khứ, sức sản xuất đã được khơi thông theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, phát triển các ngành nghề. Theo đó, những dãy nhà xưởng, mặt bằng sản xuất đã thay thế những thửa ruộng nằm giữa thị trấn trước đây ở khu 4; tình trạng hoang vắng dãy đường, ven sông tại khu 1, khu 2 đã được thay thế bằng khu dân cư sầm uất. Thị trấn có 1.137 hộ dân, thì có 558 hộ tham gia kinh doanh dịch vụ, số còn lại là làm nghề thủ công, số gia đình làm nông màu chưa đầy 10%. Được sự quan tâm đầu tư của huyện, của tỉnh, lại thụ hưởng dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 4A qua trung tâm, thị trấn đã có gương mặt mới với dãy đường đôi dài trên 3 km; các tuyến đường phố như đường 10/10, đường Cẩu Pung, đường 21/8… được nâng cấp đã tạo cho thị trấn cơ hội sắp xếp lại dân cư, chỉnh trang đô thị. Tình trạng nhà ống chật hẹp trước kia đã được thay thế bằng những dãy nhà 3 – 4 tầng khang trang hiện đại, người dân sống văn minh hơn, ý thức bảo vệ môi trường đô thị cũng tốt hơn.
Từ tự cung tự cấp, nhiều doanh nghiệp đã xuất hiện. Theo thống kê, hiện nay thị trấn đã có 35 đầu xe, trong đó 1 nửa là xe khách chất lượng cao. Các doanh nghiệp về xây dựng, kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ, vận tải, giao thông… thu hút hàng trăm lao động vào làm việc và nộp ngân sách nhà nước mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ông Lăng Văn Thăng, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: do đẩy mạnh thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ mà thu nhập bình quân đầu người của thị trấn năm 2015 đã đạt 22 triệu đồng. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, kế hoạch của UBND huyện, công tác tuyên truyền gắn liền với phát hiện, trấn áp các tệ nạn buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất ma túy, tệ nạn cờ bạc, số đề… đã được đẩy mạnh. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện văn minh đô thị, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã từng bước trở thành hiện thực sinh động ở mỗi gia đình, mỗi khu dân cư.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: trong tiến trình đổi mới, Thất Khê còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự chỉ đạo của UBND huyện, cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị thị trấn Thất Khê đang triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế sẽ là thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, đưa thu nhập bình quân đầu người của thị trấn lên 35 triệu đồng. Kéo giảm tệ nạn xã hội; tăng cường giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xây dựng văn hóa… đưa thị trấn Thất Khê không những là trung tâm chính trị, văn hóa của huyện Tràng Định, mà còn là trung tâm kinh tế, tạo đòn bẩy và sức lan tỏa để các xã trong khu vực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
MINH HỒNG
Ý kiến ()