Thị trấn Nông trường Thái Bình: Đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững
- Những năm qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập luôn đặc biệt quan tâm công tác giảm nghèo. Với những giải pháp thiết thực, đồng hành cùng hộ nghèo nên số hộ nghèo trên địa bàn ngày càng giảm, cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn Nông trường Thái Bình lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu mỗi năm giảm từ 0,5 - 1% tỷ lệ hộ nghèo. Để phấn đấu đạt mục tiêu đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ người dân khai thác và phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Được biết, thị trấn Nông trường Thái Bình hiện có 3 khu với 517 hộ dân, 1.829 nhân khẩu, có tổng diện tích tự nhiên là 1.160,33 ha (hơn 810 ha đất lâm nghiệp, hơn 258 ha đất nông nghiệp...). Với diện tích tự nhiên tương đối rộng là lợi thế để thị trấn phát triển những mô hình sản xuất như trồng keo, thông, chè…
Ông Nguyễn Văn Nguyện, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn luôn chú trọng triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về chính sách giảm nghèo bền vững. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân.
“Thị trấn Nông trường Thái Bình là đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo thấp trên địa bàn huyện. Kết quả đó là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thị trấn trong thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo và sự nỗ lực, quyết tâm, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Đây thực sự là điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện, góp phần vào thành tích giảm nghèo chung của toàn huyện”. Bà Lý Thị Hỷ, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Đình Lập |
Theo đó, hoạt động tuyên truyền được tập trung vào một số nội dung chính như: tuyên truyền, phổ biến về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; giới thiệu gương điển hình và mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn… Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng như thông qua hội nghị, các cuộc tập huấn, các buổi sinh hoạt chung, qua trang thông tin điện tử của thị trấn, qua mạng xã hội (facebook, zalo)…
Đặc biệt, ngay từ đầu các năm, thị trấn tiến hành rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để xác định rõ nguyên nhân và tìm giải pháp phù hợp. Từ việc rà soát, cấp ủy, chính quyền thị trấn xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo là do người dân thiếu kiến thức, thiếu vốn để phát triển sản xuất và xây dựng kế hoạch, đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Cụ thể, với những hộ thiếu vốn, UBND thị trấn chỉ đạo rà soát, xác định rõ nhu cầu vay vốn và phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để đầu tư, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tổng dư nợ NHCSXH do các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội thị trấn nhận ủy thác đạt hơn 20 tỷ đồng.
Cùng với đó, từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, thị trấn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức đào tạo 3 - 4 lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè; nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thông, keo… cho người dân.
Ông Chu Viết Dương, khu Đoàn Kết, thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo. Năm 2019, thông qua UBND thị trấn, gia đình được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng vốn NHCSXH để trồng hơn 1 ha thông. Trong quá trình trồng, tôi được tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng vào thực tế, nhờ đó đến nay cây phát triển tốt. Để “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình tôi còn kinh doanh thêm dịch vụ bán lẻ hàng hóa... Năm 2023, gia đình tôi đã làm đơn xin thoát nghèo.
Đến nay, toàn thị trấn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, tiêu biểu như mô hình trồng cây chè đạt gần 150 ha (tăng hơn 20 ha so với năm 2021); mô hình trồng thông, keo với diện tích hơn 800 ha (tăng 32,7 ha so với năm 2022)… Việc phát triển các mô hình sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm dần theo từng năm, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm số hộ thoát nghèo đều vượt so với nghị quyết đề ra. Năm 2021, thị trấn còn 31 hộ nghèo, chiếm 5,96% (giảm 3,21% so với năm 2020); năm 2023, thị trấn chỉ còn 9 hộ nghèo, chiếm 1,74%, giảm 0,77 % so với năm 2022. Đặc biệt, các hộ đã thoát nghèo đều được đánh giá là thoát nghèo bền vững, không có hộ tái nghèo.
Ghi nhận những kết quả đó, tháng 1/2024, thị trấn Nông trường Thái Bình vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 – 2023.
Ý kiến ()