Thị trấn Đồng Đăng: Phát huy tiềm năng du lịch
– Thị trấn Đồng Đăng là trung tâm kinh tế, thương mại sầm uất của huyện Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Thị trấn nằm trên các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh cùng rất nhiều giá trị di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Trong những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch tại nơi này.
Thị trấn Đồng Đăng cách thành phố Lạng Sơn khoảng 14 km và là giao điểm của các tuyến: Quốc lộ 1A, 1B, 4A với diện tích tự nhiên 702 ha. Thị trấn nằm trong Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, là một trong những khu kinh tế cửa khẩu có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Địa bàn là nơi cư trú của 4 dân tộc chính: Kinh, Tày, Nùng, Hoa. Qua đó, tạo cho thị trấn một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng.
Du khách tham quan và chụp ảnh tại Đền Mẫu Đồng Đăng, thị trấn Đồng Đăng huyện Cao Lộc
Về di sản văn hóa vật thể: tại thị trấn Đồng Đăng hiện có 4 điểm di tích lịch sử (Cột mốc số 0, Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ – Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; Nhà bia Thủy Môn Đình; Pháo đài Đồng Đăng) và 3 điểm di tích kiến trúc nghệ thuật (Đền Cô Đôi, Đền Mẫu Đồng Đăng; Đền Quan). Về di sản văn hóa phi vật thể: Thị trấn Đồng Đăng vẫn còn lưu giữ và diễn ra tập quán văn hóa của người Tày, Nùng với lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng còn bảo tồn được những nét văn hóa dân gian đặc sắc như: hát then, sli, lượn…
Ngoài ra, khi đến với thị trấn Đồng Đăng, du khách còn được thưởng thức ẩm thực với các món ăn mang đậm sự giao thoa văn hóa Việt – Trung như: Đồ nướng, vịt quay, lợn quay… Chị Nguyễn Thu Hà, khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ: “Mỗi năm 2 lần tôi đến Đền Mẫu Đồng Đăng để lễ. Tôi thấy đền rất đẹp và nổi tiếng linh thiêng, đặc biệt ngoài Đền Mẫu chúng tôi cũng đi thăm Cột mốc số 0 – Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và một số điểm du lịch khác, có điều hơi tiếc là trên địa bàn còn ít địa điểm vui chơi, giải trí”.
Nhằm đánh thức tiềm năng sẵn có, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển du lịch trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng. Điển hình từ năm 2017 đến nay: Di tích lịch sử Nhà bia Thủy Môn Đình được đầu tư trên 2 tỷ đồng để phục dựng tôn tạo lại; di tích Đền Mẫu Đồng Đăng được tôn tạo, tu sửa với tổng số vốn 1,2 tỷ đồng; Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng được chỉnh trang, tu sửa lại với số vốn gần 300 triệu đồng…
Nhờ đó hiện nay, thị trấn Đồng Đăng đã có 5 điểm du lịch được tỉnh công nhận gồm: (Đền Mẫu Đồng Đăng; Nhà bia Thủy Môn Đình; chợ Đồng Đăng; Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng)… Trong đó, Đền Mẫu Đồng Đăng và Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là 2 điểm thu hút rất đông khách du lịch (ước tính 2 di tích thu hút trung bình hàng vạn lượt khách mỗi năm).
Để tiếp tục khai thác tốt tiềm năng và đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, UBND huyện Cao Lộc đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Trên cơ sở đề án phát triển du lịch huyện Cao Lộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, thị trấn Đồng Đăng được xác định là không gian trung tâm du lịch của huyện. Do đó, năm 2021, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện xây dựng Đề án “Xây dựng tuyến phố đi bộ trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc”. Đề án hứa hẹn tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn, mở ra kỳ vọng về tuyến phố đi bộ hấp dẫn thứ hai của Xứ Lạng với một số nét khác biệt như: “Tuyến phố đi bộ văn hóa tâm linh”, nêu bật lên được bản sắc văn hóa dân tộc huyện Cao Lộc, đồng thời mang màu sắc tâm linh tín ngưỡng của Đền Mẫu Đồng Đăng.
Theo đó, hiện nay, các cấp, ngành trên địa bàn huyện từng bước triển khai công tác thực hiện đề án. Từ cuối năm 2021, UBND huyện đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức hội nghị phản biện xã hội; chỉ đạo phòng chuyên môn và UBND thị trấn Đồng Đăng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân về nội dung đề án. Ông Lưu Quang Công, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng cho biết: Thực hiện chủ trương của huyện, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền tại các cuộc họp trên địa bàn. Sau khi được nghe tuyên truyền, 100% hộ dân đều đồng tình, nhất trí ủng hộ chủ trương xây dựng tuyến phố đi bộ và mong muốn dự án sớm được triển khai.
Với lợi thế vốn có và sự quan tâm của các cấp chính quyền, thời gian qua, thị trấn Đồng Đăng đã là một địa danh thu hút đông khách du lịch. Được biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, thị trấn đón gần 70.000 lượt khách (tăng gần 5.000 lượt so với năm 2021). Hy vọng rằng, trong tương lại không xa, thị trấn Đồng Đăng sẽ ngày càng phát triển và trở thành điểm du lịch hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình của mỗi du khách khi đến với Xứ Lạng.
Ý kiến ()