Thi tốt nghiệp THPT thích ứng chương trình giáo dục phổ thông mới
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay có kết quả dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018), có nhiều thay đổi trong phương pháp dạy học cho nên kỳ thi những năm tới cần có những thay đổi phù hợp thực tiễn.
Ảnh minh họa: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã được tổ chức khách quan, công bằng. (Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ) |
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã được tổ chức khách quan, công bằng, phản ánh sát đúng thực tế dạy học của các địa phương trên phạm vi toàn quốc.
Đi vào ổn định
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, công tác chỉ đạo, tổ chức từ Trung ương tới các địa phương được triển khai đồng bộ, trách nhiệm, hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Kỳ thi đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân cả nước. Kết quả, cả nước có tổng số 989.863 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp 98,57%; trong đó, đối với giáo dục THPT là 99,2%; giáo dục thường xuyên 93,32%.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Mỹ Phong cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT dần đi vào ổn định, ngày càng đúng với bản chất thi tốt nghiệp THPT. Hệ thống quy chế, văn bản hướng dẫn tổ chức thi được rà soát, hoàn thiện phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tổ chức, bảo đảm chính xác, thuận lợi trong quá trình áp dụng.
Công tác thanh tra, giám sát kỳ thi được thực hiện nghiêm túc; việc phát hiện kịp thời và rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với các hạn chế, bất cập trong tổ chức thi là những điều kiện quan trọng giúp cho kỳ thi được tổ chức chặt chẽ, an toàn, nghiêm túc.
Đáng chú ý, đề thi năm 2022 đã bám theo chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp điều kiện dạy học trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, có sự phân hóa phù hợp, phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh. Các hội đồng thi đã thực hiện nghiêm túc quy trình đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi và triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế.
Phân tích kỹ phổ điểm của các địa phương cho thấy kết quả thi phản ánh khách quan chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền. Trong đó, các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi đạt kết quả cao hơn. Mặt khác, các thành phố lớn, các tỉnh có truyền thống, các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ có kết quả cao hơn các tỉnh thuộc vùng khó khăn như Tây Bắc, một số tỉnh Tây Nguyên…
“Việc tăng cường chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng bộ với phân cấp trách nhiệm trong tổ chức thi đã tạo cơ chế thuận lợi cho các địa phương nâng cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động, linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo, tổ chức thi, tuyển sinh phù hợp điều kiện tổ chức dạy học.
Theo đó, các địa phương hoàn toàn có đủ năng lực và điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, khách quan, công bằng, bảo đảm kết quả thi chính xác, tin cậy”- Ông Lê Mỹ Phong chia sẻ.
Hướng đến gia tăng đánh giá năng lực
Việc tổ chức thi luôn gắn chặt với đổi mới nội dung phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Vì vậy, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cần có những đổi mới thi tốt nghiệp THPT sao cho phù hợp, hiệu quả.
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng, các năm học 2022-2023, 2023-2024 ngành giáo dục đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (năm 2006 có điều chỉnh), vì vậy để ổn định tâm lý cho học sinh thì nên giữ ổn định phương thức tổ chức thi như năm 2022 để giảm áp lực, tạo sự yên tâm cho thí sinh và xã hội.
Tuy nhiên, từ năm 2025, khi học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp, cần có những đổi mới cho phù hợp. Từ năm 2025, cần phân cấp toàn bộ kỳ thi về cho địa phương để sở giáo dục và đào tạo đảm nhận khâu tổ chức thi.
Riêng khâu đề thi để bảo đảm tính công bằng khách quan giữa các tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và thực hiện theo lộ trình: Hai năm đầu Bộ cung cấp đề thi để thi chung toàn quốc (ban hành cấu trúc định dạng đề thi, tập huấn xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi).
Từ năm thứ ba trở đi, các địa phương tự ra đề thi để tổ chức theo lịch thi riêng trong khung lịch chung do Bộ quy định và hỗ trợ thư viện câu hỏi thi và tập huấn. Nếu địa phương chưa tự chủ ra đề thi có thể nhờ Bộ hoặc địa phương khác hỗ trợ.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cũng cho rằng, từ năm 2025 trở đi, cần phân cấp toàn bộ kỳ thi về địa phương chủ trì thực hiện tất cả các khâu tổ chức thi, trừ khâu ra đề thi. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ về công tác ra đề thi sẽ bảo đảm tính thống nhất trong đánh giá, qua đó có cái nhìn tổng quát về giáo dục cả nước.
Kiến nghị về tổ chức thi tốt nghiệp những năm tới, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023, 2024 nên giữ ổn định kỳ thi như năm 2022. Từ năm 2025 cần phân cấp toàn bộ về cho địa phương. Mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, không nhằm so sánh năng lực hay kiến thức của các thí sinh với nhau mà chỉ đánh giá thí sinh có đạt hay không đạt một ngưỡng chuẩn.
Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới học sinh học các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn, tự chọn do đó các môn thi cần có môn thi bắt buộc và môn thi lựa chọn. Đối với các môn thi bắt buộc có thể là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử. Đối với môn thi lựa chọn: Học sinh lựa chọn hai môn trong bốn do học sinh đã lựa chọn tham gia học trong năm lớp 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, về kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 và năm 2024 thống nhất giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức để phù hợp chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đang triển khai những năm cuối cùng. Song song đó, kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy và tiếp tục hoàn thiện thêm yếu tố ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, xem xét nếu cần thiết sẽ ban hành quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện.
Về những thay đổi của kỳ thi từ năm 2025, đã có một vài phương án được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc đến nhiều phương diện. “Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay, và điều chỉnh để phù hợp đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó, nên kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025”-Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Ý kiến ()