Thi tốt nghiệp THPT: Bộ GD&ĐT có phương án xử lý các trường hợp đặc biệt
Ảnh minh hoạ |
Theo Quy chế này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia. Trưởng Ban là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh. Trưởng ban là lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh.
Mỗi tỉnh tổ chức một hội đồng thi, do sở GD&ĐT chủ trì, để tổ chức thi cho tất cả thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Mỗi hội đồng thi có các điểm thi để tổ chức khâu coi thi trong kỳ thi.
Giám đốc sở GD&ĐT ra quyết định thành lập hội đồng thi và các ban của hội đồng thi, gồm: Ban thư ký; ban in sao đề thi; ban vận chuyển và bàn giao đề thi; ban coi thi; ban làm phách bài thi tự luận; ban chấm thi tự luận; ban chấm thi trắc nghiệm; ban phúc khảo bài thi tự luận; ban phúc khảo bài thi trắc nghiệm.
Chủ tịch hội đồng thi là giám đốc sở GD&ĐT (hoặc là phó giám đốc sở GD&ĐT trong trường hợp đặc biệt).
Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi này. Theo đó, Bộ chỉ đạo tổ chức kỳ thi; quyết định phương án xử lý các trường hợp đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác.
Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo cấp quốc gia để chỉ đạo tổ chức kỳ thi; chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế thi; xây dựng đề thi cho kỳ thi hằng năm.
Bộ GD&ĐT cũng có trách nhiệm đối sánh kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Cùng với đó, thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh; duyệt phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi do sở GD&ĐT trình; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho sở GD&ĐT và các sở ban, ngành có liên quan của tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện/thị về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn về kỳ thi do Bộ GD&ĐT ban hành.
Đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12
Theo Quy chế, Kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức 5 bài thi, gồm: Ba bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN); một bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH).
Bài thi tổ hợp KHTN gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học. Bài thi tổ hợp KHXH gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT), hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT).
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi và thí sinh đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp, hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước phải dự thi 4 bài thi, gồm:
Ba bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Với thí sinh có bằng tốt nghiệp THPT và thí sinh có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh: Được đăng ký dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Ý kiến ()