Thí sinh nên đặt nguyện vọng đầu tiên là ngành học yêu thích nhất
Ảnh minh họa |
Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học chính quy năm 2020.
Theo đó, điểm sàn đối với các ngành có tổ hợp môn chính nhân hệ số 2 (tổng điểm 3 môn đã nhân hệ số) là 22,0 điểm; điểm sàn của các ngành còn lại là 16,0 điểm. Mức điểm này bao gồm điểm thi theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực.
Trường cũng quy định, ngoài điểm sàn trên, thí sinh cần thỏa mãn các điều kiện bổ sung như, đến thời điểm xét tuyển đã tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương; Thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2020; có kết quả xếp loại học lực từng năm học trong 3 năm Trung học phổ thông đạt 6,0 trở lên; hạnh kiểm từng năm học trong 3 năm Trung học phổ thông xếp loại Khá trở lên.
Thí sinh chịu trách nhiệm về điều kiện nộp hồ sơ (học lực, hạnh kiểm) theo quy định của Học viện. Trong trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển nhưng không đáp ứng yêu cầu về điều kiện nộp hồ sơ, Học viện không công nhận trúng tuyển.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến mức điểm chuẩn vào các ngành đào tạo năm 2020 của Trường. Trong số 32 ngành tuyển sinh năm nay, ngành Máy tính và khoa học thông tin (Mã xét tuyển QHT90) và ngành Công nghệ sinh học (Mã QHT09) có mức điểm chuẩn dự kiến cao nhất lên tới 24,5-25,5 điểm. Một số ngành cũng có mức điểm chuẩn dự kiến từ 20 điểm trở lên.
Năm nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển tổng cộng 1.650 chỉ tiêu cho 32 ngành đào tạo. Trong đó, trường dành 1.485 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường Đại học Y Dược TPHCM công bố điểm sàn xét tuyển đại học chính quy theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho 2 tổ hợp A00 và B00, từ 19-23 điểm. Năm nay, Trường tuyển tổng cộng 2.312 chỉ tiêu. Nhà trường lưu ý, không sử dụng điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi THPT quốc gia các năm trước để tuyển sinh. Nhà trường tuyển sinh theo 2 phương thức xét tuyển độc lập nhau. Thí sinh có thể đăng ký cả hai phương thức khi xét tuyển. Thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển bởi các phương thức tuyển sinh khác.
Từ 19-27/9, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ĐH, CĐ lần cuối theo phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu. Theo đó, thí sinh có thể thay đổi tổ hợp xét tuyển, ngành học, trường học, thứ tự nguyện vọng, bỏ bớt hoặc tăng thêm nguyện vọng…
Theo các chuyên gia, để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên đặt nguyện vọng đầu tiên là ngành học mà mình yêu thích nhất. Sau đó, đến nguyện vọng cùng ngành hoặc nhóm ngành liên quan ở mức ưu tiên thấp hơn. Ngoài ra, các em cũng nên tham khảo thêm những ngành liên quan nhưng có điểm thấp hơn. Chẳng hạn, điểm sàn thấp hơn hoặc điểm trúng tuyển một vài năm gần đây thấp hơn.
Theo nhận định từ nhiều trường, điểm chuẩn những ngành “hot” dự kiến sẽ tăng từ 2-3 điểm. Tuy vậy, một số ngành ít thí sinh đăng ký, điểm chuẩn sẽ ít biến động.
Dự kiến trước 17 giờ ngày 29/9, thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT và đề nghị điều chỉnh sai sót nếu có (chỉ áp dụng đối với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng phiếu, bao gồm cả thí sinh có kết quả phúc khảo sau ngày 27/9). Trước 17 giờ ngày 30/9, Điểm thu nhận hồ sơ hoàn thành việc cập nhật thông tin về điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT của tất cả thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Ý kiến ()