Thí sinh mắc COVID-19 sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp THPT
Ảnh minh hoạ |
Giải đáp vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, đối với thí sinh là bệnh nhân mắc COVID-19 phải điều trị, không thể dự thi thì căn cứ theo Quy chế hiện hành, các em sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp THPT. Trường hợp này cũng giống với các trường hợp đặc biệt khác như tai nạn, ốm đau, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác, không thể tham dự được kỳ thi, thí sinh sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp.
Bố trí phòng thi riêng cho thí sinh diện F1, F2, F3
Theo ông Mai Văn Trinh, trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến kịch bản sẽ tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội). Tại các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí phòng thi cho thí sinh diện F1, F2, F3. Thí sinh là F1 sẽ được trang bị quần áo bảo hộ, phòng thi riêng. Thí sinh là F2, F3 cũng sẽ có giải pháp phù hợp và được lực lượng y tế hỗ trợ để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm đợt thi. Để thực hiện phương án này, hiện Bộ đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi bảo đảm về số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt.
Về công tác ra đề thi năm nay, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ thêm: Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay. Đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đồng thời cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh (nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10).
Để thí sinh thuận lợi khi làm bài, câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó. Các nhà trường nên bám sát đề thi tham khảo để làm cơ sở hướng dẫn học sinh ôn tập. Với cấu trúc đề thi tham khảo đã công bố, kết quả thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT không những được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương mà còn phân hóa tốt kết quả thi của các nhóm thí sinh, giúp đánh giá đúng chất lượng học tập của các em và làm cơ sở để phần lớn các trường đại học sử dụng trong tuyển sinh.
S ẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh xảy ra trong trường học
Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm về việc tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, các đơn vị thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của chính quyền địa phương; tuyệt đối không hoang mang nhưng cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng ở địa phương để nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học. Đồng thời, kích hoạt hệ thống phòng dịch, trang thiết bị phòng dịch trong nhà trường; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, phạm vi quản lý; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các yêu cầu phòng, chống dịch.
Các đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhân viên, nhà giáo, người học và cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Thực hiện theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt, khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp học, nhà vệ sinh theo quy định.
Các đơn vị điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Ý kiến ()