Thi riêng vẫn "thòng" ba chung
Mỗi trường một phương pháp
Theo đánh giá chung của Bộ GDĐT, trong số 50 đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ, mỗi trường đều có phương pháp tuyển sinh khác nhau. Điển hình, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tiếp tục tổ chức thi tuyển sinh ĐH theo phương thức ba chung nhưng bổ sung vòng sơ tuyển dựa trên kết quả học tập THPT trước khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Các thí sinh đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử tuyển sinh của trường tại địa chỉ ts.hust.edu.vn sẽ được cấp một tài khoản với mật khẩu cá nhân để điền phiếu trên mạng một số thông tin; những thí sinh ở các vùng sâu, vùng xa không có điều kiện truy cập mạng có thể gửi phiếu đăng ký sơ tuyển. Tiêu chí xét sơ tuyển là tổng điểm trung bình của ba môn thuộc khối thi ở năm học kỳ THPT (sáu học kỳ đối với thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước). Căn cứ chỉ tiêu dự kiến và số lượng thí sinh đăng ký, hội đồng tuyển sinh trường xét điểm từ cao xuống thấp để xác định điểm chuẩn sơ tuyển phù hợp điểm chuẩn sơ tuyển được công bố trước ngày 17-3 trên trang thông tin điện tử tuyển sinh của trường, trang tuyển sinh của Bộ GDĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng được gửi theo đường bưu điện tới các trường THPT. Kỳ thi chính thức, thí sinh đạt vòng sơ tuyển nộp hồ sơ đăng ký từ ngày 17-3.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh lại phân tích các ngành, nghề; kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và phân tích kinh nghiệm, lực lượng đội ngũ của trường (gồm 19 PGS, 94 TS, 360 thạc sĩ) để xây dựng đề án tuyển sinh riêng gồm ba hình thức: Thi tuyển theo hình thức thi ba chung của Bộ GDĐT; thi tuyển kết hợp xét tuyển của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh; tổ chức phỏng vấn bổ sung (sau khi đã đủ điều kiện vào trường) đối với các ngành sư phạm kỹ thuật. Mỗi hình thức tuyển sinh đều có những tiêu chí cụ thể riêng cho thí sinh.
Trường ĐH Đại Nam, một trường ngoài công lập dựa trên cơ sở đội ngũ gồm hai GS, 14 PGS, 42 TS và 72 thạc sĩ đưa ra hai phương thức tuyển sinh gồm: Thi và sử dụng kết quả thi đại học và cao đẳng chính quy theo hình thức ba chung của Bộ GDĐT; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập bậc THPT. Trong đó, việc xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT phải bảo đảm tiêu chí: Tổng điểm ba môn theo khối thi từ học kỳ một lớp 10 đến học kỳ một lớp 12 (năm học kỳ) đạt 90 điểm trở lên; hạnh kiểm lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Thận trọng tuyển sinh riêng
Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD và ĐT Trần Văn Nghĩa cho biết, sau khi tiếp nhận, Bộ GDĐT rà soát một số đề án và đề nghị chỉnh sửa theo đúng cấu trúc, bám sát yêu cầu tại dự thảo quy định tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy giai đoạn 2014-2016 đã được đưa lên mạng lấy ý kiến góp ý của xã hội. Các đề án đã đưa lên mạng đều bám sát yêu cầu tại Dự thảo Quy định tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy giai đoạn 2014-2016 của Bộ. Các phương án tuyển sinh đưa ra đều kèm theo ngưỡng chất lượng tối thiểu. Những trường còn lại đang trong quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện. Trong số các đề án, các trường ĐH công lập đều thi theo kỳ thi chung ở phần lớn các ngành và chỉ thí điểm tuyển sinh riêng ở ngành năng khiếu (xét tuyển môn văn hóa (theo học bạ) và thi tuyển môn năng khiếu); ngành chất lượng cao (thi theo kỳ thi chung, tổ chức thi bổ sung tại trường); các ngành khó tuyển (xét kết quả trung học phổ thông, có ngưỡng tối thiểu của điểm trung bình là 5,5 hoặc 6,0).
Một số chuyên gia giáo dục đánh giá, với số lượng trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng so với tổng số trường ĐH, CĐ trên cả nước còn khá ít, phần lớn các trường chỉ tuyển sinh riêng một số ngành, còn lại thi chung cho thấy sự thận trọng của các trường khi có sự thay đổi liên quan đến chất lượng, thương hiệu của mình. Khi Bộ GDĐT đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường trong công tác tuyển sinh sẽ gắn liền với tự chịu trách nhiệm xã hội. Các trường tuyển phải bảo đảm chất lượng, tồn tại hay không chính là chất lượng làm nên thương hiệu. Mặt khác, việc đề án của các trường có được triển khai hay không còn căn cứ vào nội dung đề án và ý kiến phản biện của xã hội, sự đồng thuận, bảo đảm quyền lợi thí sinh. Trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày trường nộp đề án tuyển sinh riêng hợp lệ, Bộ GDĐT xác nhận bằng văn bản khẳng định đề án đó đáp ứng hoặc không đáp ứng các yêu cầu theo quy định để thực hiện tuyển sinh riêng hay không. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường nhằm thực hiện Luật Giáo dục ĐH và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành T.Ư (Khóa XI). Việc đổi mới phương pháp tuyển sinh làm tiền đề việc đổi mới dạy và học ở trường phổ thông và được coi là đột phá, mở đầu trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Dự kiến, từ nay đến năm 2016, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi ba chung để giúp các trường chưa đủ năng lực hoặc chưa chuẩn bị được đề án tuyển sinh riêng.
Ý kiến ()