LSO-“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, thấm nhuần tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt những năm qua, phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng gắn liền với sự phát triển của tỉnh.Với 80% dân số làm nông nghiệp, sự phát triển ở khu vực nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của Lạng Sơn. Chính vì vậy, trong những năm qua, các cấp, các ngành, các đơn vị trong toàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, phát động các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt chú trọng đến các phong trào thi đua phát triển kinh tế ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó các phong trào nông dân thi đua lao động sáng tạo; phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình…đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, có sức lan tỏa mạnh trong toàn khu vực...
LSO-“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, thấm nhuần tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt những năm qua, phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng gắn liền với sự phát triển của tỉnh.
Với 80% dân số làm nông nghiệp, sự phát triển ở khu vực nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của Lạng Sơn. Chính vì vậy, trong những năm qua, các cấp, các ngành, các đơn vị trong toàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, phát động các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt chú trọng đến các phong trào thi đua phát triển kinh tế ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó các phong trào nông dân thi đua lao động sáng tạo; phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình…đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, có sức lan tỏa mạnh trong toàn khu vực nông thôn. Điều này đã tạo một sức bật mới cho khu vực nông thôn Xứ Lạng, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.
|
Phong trào phát triển đường giao thông trong khu vực nông thôn |
Với mục tiêu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế ngành, nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa trên một đơn vị diện tích, các phong trào ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là việc đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ…được đẩy mạnh. Kết quả đã góp phần nâng sản lượng lương thực hàng năm ổn định ở mức trên 280.000 tấn/năm, từ chỗ không đảm bảo an ninh lương thực, nông dân Xứ Lạng đã bước đầu tạo ra lương thực hàng hóa. Phong trào trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây thực phẩm có giá trị cao đã phát triển rộng khắp ở các vùng trong toàn tỉnh. Phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô trang trại vừa và nhỏ; mô hình nuôi bò bán chăn thả được hình thành và phát triển nhanh, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Những năm qua, nhận thấy được lợi ích kinh tế của rừng, nhiều hộ gia đình và các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vốn vào lĩnh vực này, góp phần tăng nhanh diện tích và chất lượng rừng trồng trên địa bàn, nâng độ che phủ của rừng hiện nay lên đến trên 49%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề, dịch vụ ở khu vực nông thôn phát triển khá mạnh mẽ. Sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có giá trị cao như chè, thuốc lá, thạch đen, nhựa thông, rau màu, hoa quả… được duy trì và ngày càng phát triển. Cơ giới hóa trong nông nghiệp, nông thôn được tăng cường, đặc biệt là khâu làm đất, tưới tiêu, vận tải đã góp phần nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động và tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển mạnh đã trở thành động lực quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đi đầu trong các phong trào này có thể kể đến các địa phương tiêu biểu như Hữu Lũng, Chi Lăng, Bắc Sơn, Lộc Bình… Nhiều hộ nông dân đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học tập và áp dụng khoa học kỹ thuật, các mô hình kinh tế phù hợp với địa phương và điều kiện của gia đình, từ đó vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương. Nếu như tính đến năm 2005 toàn tỉnh chỉ có 2.500 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thì đến hết năm 2009, toàn tỉnh đã có 49.335 hộ nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, trong đó rất nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đó là minh chứng cho sức lan tỏa mạnh mẽ của các phong trào phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Họ là những nhân tố quan trọng, không chỉ góp phần tạo công ăn, việc làm cho lao động tại địa phương, mà còn tạo nên một không khí thi đua sôi nổi trong cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp cũng đã chủ động thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động tích cực hỗ trợ, định hướng cho người dân, các cá nhân điển hình tiên tiến ngày càng được nhân rộng.
Có thể khẳng định, phong trào thi đua yêu đã tạo ra động lực mới, sức bật mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Chưa thể so sánh với các tỉnh trung du hay đồng bằng bởi với đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, cả về khách quan, lẫn chủ quan Lạng Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, đổi mới, đồng lòng thi đua của nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh, mục tiêu đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra là một tương lai rất gần.
Lê Minh
Ý kiến ()