Thi đua yêu nước: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
(LSO) – Trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân toàn tỉnh đã quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng gắn với thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng của tỉnh đã có nhiều đổi mới và đi vào chiều sâu, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2015 – 2020).
Phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đều khắp trên các lĩnh vực, có nhiều đổi mới và sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Các tiêu chí thi đua cụ thể, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, ngành, tạo động lực mạnh mẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, đối ngoại do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cơ quan, đơn vị đã kịp thời phát hiện, biểu dương và khen thưởng những điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần khích lệ, động viên các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét. Hoạt động của các khối, cụm thi đua tiếp tục được duy trì, có nhiều đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho học sinh có thành tích xuất sắc. Ảnh: HOÀNG TÙNG
Phong trào thi đua yêu nước của tỉnh trong giai đoạn 2015 – 2020 đã góp phần quan trọng khơi dậy và phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tham gia xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp ngày càng vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2015 – 2020 ước đạt 5,45%, trong đó: ngành nông, lâm nghiệp tăng 1,24%; công nghiệp – xây dựng tăng 12,76%; dịch vụ tăng 5,07%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015).
Các phong trào thi đua trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông, vận tải, khoa học, công nghệ đã góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm tăng trên 10,5%.
Phong trào thi đua trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. Phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất góp phần nâng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 310 nghìn tấn.
“Mỗi người tốt, việc tốt là những bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Phong trào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tập trung triển khai thực hiện. Trong 5 năm qua, đã có nhiều công trình lớn, quan trọng được đưa vào sử dụng như: cầu 17/10; cầu Kỳ Cùng; tuyến cao tốc đoạn Bắc Giang – Chi Lăng; đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; đường xuất nhập khẩu Tân Thanh (Việt Nam) đấu nối với Khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc);… Phong trào làm đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh và đạt được kết quả tích cực. Ước tính đến hết năm 2020, tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 82%, tăng 12,1% so với năm 2015. Phong trào thi đua trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ và du lịch góp phần tạo được mức tăng trưởng khá, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa – xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống Nhân dân. Trong 5 năm qua đã có 6.893 lượt học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa và các môn thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh; có 87 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ngày càng nâng lên, nhiều kỹ thuật chuyên môn cao được triển khai thực hiện; hoàn thành giai đoạn I và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (700 giường), Bệnh viện Y dược học cổ truyền tỉnh. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 72,2 nghìn lao động. Thể thao thành tích cao đạt kết quả đáng khích lệ, trong 5 năm đã tham gia 65 giải thể thao khu vực và toàn quốc đoạt 193 huy chương các loại.
Phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh và đối ngoại đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong công tác xây dựng Đảng, các phong trào thi đua hướng vào việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, tạo sự chuyển biến tích cực trong các tổ chức đảng và đảng viên, nâng cao trách nhiệm và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng đảng; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh hằng năm đạt trên 18%; tỷ lệ đảng viên hằng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%.
Các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội phát động, triển khai có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, các khu dân cư với nhiều cách làm sáng tạo. Nhiều mô hình được triển khai có hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được các cấp, ngành triển khai và tạo được sự chuyển biến sâu sắc, rõ nét về nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân. Hết năm 2019, toàn tỉnh có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 61 xã và công nhận 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thành phố Lạng Sơn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017.
Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trên địa bàn. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 25,95% năm 2015 xuống còn 7,89% năm 2020, bình quân hằng năm giảm 3,61%. Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Lạng Sơn hội nhập và phát triển” được triển khai sâu rộng, trong 5 năm, có gần 1.900 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 79%; số vốn đăng ký tăng 120% so với giai đoạn trước. Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lạng Sơn thi đua thực hiện văn hóa công sở” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng và nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng chống tham nhũng, xây dựng hình ảnh, phong cách ứng xử, kỹ năng giao tiếp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong 5 năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… được các cơ quan, đơn vị kịp thời biểu dương và khen thưởng, góp phần khích lệ, động viên các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp trình khen thưởng đã quan tâm hướng về cơ sở, khu vực nông thôn, biên giới; việc khen thưởng các tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp lao động sản xuất và công tác đã có sự chuyển biến rõ nét. Các cấp đã chú trọng khen thưởng đối tượng là nông dân, gia đình có mô hình kinh tế hiệu quả, hiến đất xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ khen thưởng đối với người lao động trực tiếp bình quân qua 5 năm đạt 70,4%. Tỷ lệ khen thưởng cho tập thể nhỏ, đơn vị cơ sở đạt bình quân 75%.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong giai đoạn 2015 – 2020, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã xét tặng các danh hiệu thi đua và khen thưởng theo thẩm quyền cho trên 9.000 chiến sĩ thi đua cơ sở trên tổng số gần 80.000 lượt cá nhân đạt lao động tiên tiến; tặng giấy khen cho trên 10.200 lượt tập thể, 45.000 lượt cá nhân; tặng danh hiệu tập thể lao động tiên tiến cho trên 7.100 lượt tập thể. Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng cho 8.889 tập thể, cá nhân, tăng 24,29% so với giai đoạn trước. Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước đã tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng cho 483 tập thể, cá nhân, tăng 27,94%.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, trước bối cảnh có nhiều thời cơ và thuận lợi mới nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, để thực hiện được các mục tiêu của giai đoạn 2020 – 2025, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 30 ngày 18/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; đổi mới cách thức tuyên truyền về các mô hình, điển hình, nhân tố mới, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. Khen thưởng phải bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng. Quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác và khen thưởng đối với tập thể, cá nhân ở cơ sở, khu vực nông thôn, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.
Xây dựng Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, trong đó tập trung hoàn thiện, đa dạng hóa các hình thức biểu dương, khen thưởng trên địa bàn tỉnh; đổi mới quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh; xây dựng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống hóa hồ sơ, dữ liệu về thi đua, khen thưởng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm thi đua trong toàn tỉnh, khắc phục các nội dung còn mang tính hình thức, xây dựng tiêu chí đánh giá, chấm điểm thi đua cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Mỗi người tốt, việc tốt là những bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2020 – 2025.
Giai đoạn 2015 – 2020, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã xét tặng các danh hiệu thi đua và khen thưởng theo thẩm quyền cho trên 9.000 chiến sĩ thi đua cơ sở trên tổng số gần 80.000 lượt cá nhân đạt lao động tiên tiến; tặng giấy khen cho trên 10.200 lượt tập thể, 45.000 lượt cá nhân; tặng danh hiệu tập thể lao động tiên tiến cho trên 7.100 lượt tập thể. Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng cho 8.889 tập thể, cá nhân, tăng 24,29% so với giai đoạn trước. Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước đã tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng cho 483 tập thể, cá nhân, tăng 27,94%. |
Hồ Tiến Thiệu (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh)
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()