LSO-Riêng cây thuốc lá, trung bình mỗi năm mang lại khoảng 200 tỷ đồng cho nông dân Bắc Sơn. Đó là chưa kể giá trị kinh tế từ các loại rau màu, cây thực phẩm trồng luân canh và các loại cây ăn quả. Có thể khẳng định các phong trào thi đua lao động, sản xuất trong những năm qua đã làm chuyển biến mạnh mẽ nông nghiệp, nông thôn Bắc Sơn.Phong trào cơ giới hóa nông nghiệp phát triển mạnh mẽ ở Bắc SơnÔng Dương Công Thần, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Sơn khẳng định: Ở địa phương nào thì tôi không dám chắc, chứ ở vùng cánh đồng như Quỳnh Sơn chúng tôi, máy cày đã thay thế hoàn toàn sức kéo của trâu, bò. Nhắc đến phong trào cơ giới hóa nông nghiệp ở Bắc Sơn phải quay ngược lại từ đầu những năm 2000, thời điểm UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy cày tay và các thiết bị phục vụ cơ giới hóa. Chỉ sau một thời gian ngắn, chính sách đã được người nông dân đón nhận một cách hồ hởi và cơ giới hóa...
LSO-Riêng cây thuốc lá, trung bình mỗi năm mang lại khoảng 200 tỷ đồng cho nông dân Bắc Sơn. Đó là chưa kể giá trị kinh tế từ các loại rau màu, cây thực phẩm trồng luân canh và các loại cây ăn quả. Có thể khẳng định các phong trào thi đua lao động, sản xuất trong những năm qua đã làm chuyển biến mạnh mẽ nông nghiệp, nông thôn Bắc Sơn.
|
Phong trào cơ giới hóa nông nghiệp phát triển mạnh mẽ ở Bắc Sơn |
Ông Dương Công Thần, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Sơn khẳng định: Ở địa phương nào thì tôi không dám chắc, chứ ở vùng cánh đồng như Quỳnh Sơn chúng tôi, máy cày đã thay thế hoàn toàn sức kéo của trâu, bò. Nhắc đến phong trào cơ giới hóa nông nghiệp ở Bắc Sơn phải quay ngược lại từ đầu những năm 2000, thời điểm UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy cày tay và các thiết bị phục vụ cơ giới hóa.
Chỉ sau một thời gian ngắn, chính sách đã được người nông dân đón nhận một cách hồ hởi và cơ giới hóa nông nghiệp nhanh chóng trở thành một trong những phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ ở khu vực nông thôn. Cho đến thời điểm này, toàn huyện đã có trên 21.000 thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp các loại, trong đó riêng máy cày tay đã lên tới trên 7.000 chiếc, tính trung bình, cứ 2 hộ gia đình nông dân Bắc Sơn có 1 chiếc máy cày tay.
Cùng với phong trào cơ giới hóa, phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn cũng được Bắc Sơn đẩy mạnh. Từ năm 2008 đến nay, nông dân trong huyện đã đóng góp được 502 triệu đồng và hàng vạn ngày công lao động để kiên cố, nâng cấp 5.999 mét mương. Cùng với đó nhà nước đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng 4 đầu cống lấy nước và nâng cấp 7 công trình đập dâng, tăng hiệu quả tưới cho 770 ha lúa và các loại cây trồng khác. Nếu như thủy lợi là tiền đề cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng thì giao thông nông thôn được cấp ủy, chính quyền huyện xác định là động lực để sản xuất hàng hóa gắn liền với thị trường tiêu thụ.
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của nhân dân trong toàn huyện, tính đến thời điểm hiện nay, Bắc Sơn có 20/20 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã và đi lại được 4 mùa. Trong đó, tỷ lệ mặt đường giao thông liên xã được cứng hóa là 217/430km, đưa Bắc Sơn trở thành một trong những địa phương có điều kiện giao thông thuận tiện nhất.
Cơ sở hạ tầng được củng cố, cơ giới hóa nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sản xuất, tăng cả về 4 tiêu chí là năng suất, sản lượng, diện tích gieo trồng và hiệu quả kinh tế. Ước tính tổng diện tích gieo trồng của Bắc Sơn năm 2011 là 12.300ha, tăng 6,1% so với 3 năm trước đó. Việc mở rộng diện tích lúa mùa sớm một mặt vừa tăng hiệu quả sản xuất lương thực, mặt khác tạo điều kiện cho người nông dân tăng nhanh hệ số sử dụng đất và đưa được nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày vào sản xuất như thuốc lá, lạc, đỗ tương… Riêng thuốc lá, mỗi năm mang lại cho người nông dân khoảng 200 tỷ đồng.
Kinh tế vườn rừng được chú trọng phát triển, ngoài các loại cây lâm nghiệp, Bắc Sơn đặc biệt chú trọng tới các loại cây ăn quả đặc sản của địa phương. Ông Dương Thời Thịnh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Từ năm 2008 đến nay, toàn huyện trồng được 1.470ha cây ăn quả các loại, trong đó riêng quýt trồng được 400ha. Trong những năm tiếp theo, huyện vẫn tiếp tục phát triển diện tích trồng quýt từ 70-100ha/năm. Mặt khác công tác phục tráng quýt cũng khẩn trương được tiến hành, trong đó điểm nhấn là nhân rộng mô hình trồng quýt ghép trên đất thổ canh và nhân giống quýt sạch bệnh tại địa phương. Cho đến nay, quy mô của mô hình đã phát triển tới 150ha.
Có thể khẳng định, những phong trào thi đua lao động, sản xuất trong những năm qua là động lực quan trọng, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn Bắc Sơn. Những ngày này, không khí lao động, sản xuất trên đồng đất Bắc Sơn càng trở nên nhộn nhịp, tất cả đang hướng tới những thắng lợi mới, thành tích mới để chào mừng 71 năm ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9); 180 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn và 102 năm ngày sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11).
Vũ Như Phong
Ý kiến ()