Thi đua, khen thưởng: Động lực cho phát triển
LSO- Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới; thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên liên tục hằng ngày,...”. Từ sau Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ III đến nay, cùng với cả nước, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, phong trào thi đua yêu nước có nhiều chuyển biến tiến bộ, bám sát và phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh tiếp tục góp phần quan trọng giúp Lạng Sơn vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng giai đoạn 2011 – 2015.
Cách thức tổ chức phong trào thi đua có chiều sâu, có tính sáng tạo, khoa học, linh hoạt, phong trào luôn gắn với cơ sở, xuất phát từ cơ sở. Việc tổ chức, chỉ đạo tốt hơn thông qua việc rút ra bài học từ cơ sở, việc thẩm định thành tích trực tiếp từ cơ sở chứ không chỉ nghe báo cáo thành tích. Điều đó thể hiện tính trách nhiệm trong chỉ đạo phong trào thi đua để đưa phong trào phát triển có chiều sâu, đạt chất lượng; việc lựa chọn mục tiêu thi đua ở nhiều ngành, địa phương trong tỉnh được đưa ra bàn bạc dân chủ đã tạo được sự “đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm” kết hợp với công tác tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức sinh động, phong trào thi đua đã được lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, thực sự tạo được khí thế thi đua trong toàn tỉnh.
Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Khánh Dương khẩn trương thi công nâng cấp đường Hùng Vương, TP Lạng Sơn. Ảnh: PHÙNG KHIÊM
Phong trào thi đua đã đi đúng hướng, có chất lượng, nội dung phong phú nên đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm mới hiệu quả, chất lượng hơn, phong trào thi đua của tất cả các thành phần kinh tế, các cấp, ngành, các nhà trường, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu khoa học, lực lượng vũ trang, các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền, các doanh nghiệp luôn nhằm mục tiêu phát triển của đơn vị; góp phần thúc đẩy sự đi lên của tỉnh mà trọng tâm là phục vụ việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh.
Các phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực đã cho Lạng Sơn một diện mạo mới, đột phá trong nhiều mặt với thành tựu kinh tế – xã hội khả quan. Đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện, bộ mặt đô thị khang trang hơn, bộ mặt nông thôn được đổi mới hơn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh. Giáo dục có bước phát triển tốt. Quy mô nền kinh tế, đặc biệt là tỷ trọng công nghiệp xây dựng đã tạo cho tỉnh một sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm đã củng cố niềm tin của dân với Đảng, góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày càng phát triển.
Phong trào thi đua đã góp phần huy động được sức dân, tạo sự gắn bó phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Với tinh thần luôn hướng về cơ sở, dựa vào cơ sở và vì cơ sở, lấy dân làm gốc, các phong trào thi đua của tỉnh đã tập trung phát huy sức mạnh của mọi thành phần kinh tế ở mọi vùng, miền, với nhiều ngành, lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2011- 2015 đạt 8,65%, trong đó ngành nông, lâm nghiệp tăng 3,62%; ngành công nghiệp – xây dựng tăng 9,86% (trong đó công nghiệp tăng 8,84%, xây dựng tăng 11,47%); dịch vụ tăng 10,76%. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 34,76 triệu đồng, tương đương 1.620 USD.
Công tác khen thưởng được tỉnh chú trọng. Nhìn chung bảo đảm quy trình, thủ tục, khen đúng người, đúng việc, đúng thời điểm, việc nhân rộng các điển hình tiên tiến đã được tỉnh chú trọng, tạo động lực cho người lao động. Trên 300 điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước của tỉnh lần này đều là những tập thể, cá nhân được lựa chọn rất xứng đáng từ thành tích thi đua 5 năm qua.
Có thể khẳng định rằng, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh 5 năm qua đã đạt được kết quả rất đáng trân trọng. Đây chính là minh chứng sống động tiếp tục khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Bác, luôn thực hiện lời dạy của Bác xây dựng Lạng Sơn thành tỉnh tiên tiến, kiểu mẫu. Huân chương Hồ Chí Minh mà tỉnh Lạng Sơn đón nhận nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh là phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng nhằm ghi nhận những thành tích của Lạng Sơn trong những năm qua.
Để phát huy được những thành tích và tận dụng hơn nữa các tiềm năng thế mạnh, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo bước đột phá về tốc độ, bảo đảm phát triển bền vững.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện phong trào thi đua. Coi trọng phương pháp, biện pháp lãnh đạo, tổ chức và quyết tâm với nhiều sáng tạo mới để thực hiện tốt phong trào thi đua đạt mục tiêu đề ra, đúng như lời dạy của Bác trong thi đua “chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20”.
Gắn trách nhiệm cụ thể về kết quả công tác thi đua, khen thưởng ở từng cơ quan, đơn vị với người đứng đầu. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải thực sự là tấm gương mẫu mực, tận tụy, trách nhiệm với công việc, đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước tại đơn vị, đồng thời luôn sâu sát với quần chúng, người lao động để nắm bắt, hướng dẫn, động viên quần chúng, người lao động.
Khi xây dựng, tổ chức phong trào thi đua yêu nước, vừa phải bám sát nhiệm vụ chính trị, vừa phải xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, người lao động.
Trong công tác tôn vinh, khen thưởng luôn phải bảo đảm tính chính xác, công bằng, kịp thời. Những tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng phải bảo đảm tính nêu gương để mọi người học tập, noi theo; chú trọng việc “khen” gắn liền với “thưởng” một cách hợp lý để khuyến khích, động viên tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; đồng thời có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và trong từng giai đoạn.
HUY BÌNH (Ban Thi đua – Khen thưởng)
Ý kiến ()