Thi đua, khen thưởng cần thực chất, hướng mạnh về cơ sở
Thể chế hóa các nội dung về thi đua, khen thưởng, trong đó hướng mạnh về cơ sở, đưa phong trào thi đua thật sự thiết thực, hạn chế hình thức là một trong những điểm mới đáng chú ý của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Dự thảo luật có nhiều quy định để cụ thể hóa việc chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ… Đồng thời, quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Những đổi mới này của dự thảo luật là rất cần thiết để giúp phong trào thi đua ngày càng thực chất, gắn liền với lợi ích của người trực tiếp tham gia.
Từ đó, mỗi phong trào thi đua, hình thức khen thưởng sẽ trở thành niềm động viên, khích lệ nhằm phát huy, nhân rộng hơn nữa những thành tích đã đạt được. Thời gian qua, nhiều tấm gương dũng cảm, quên mình cứu người hay những tập thể, cá nhân có sáng kiến, sáng tạo mang lại lợi ích cho cộng đồng, những người con của đất nước cống hiến hết mình, làm rạng danh Tổ quốc… đã được vinh danh, khen thưởng kịp thời, giúp nguồn năng lượng tích cực, những giá trị cao đẹp lan tỏa mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để quy định của pháp luật sớm đi vào cuộc sống và tạo thuận lợi trong quá trình thực thi thì cần có những tiêu chí cụ thể về đánh giá thi đua, làm cơ sở cho việc đưa ra các hình thức khen thưởng phù hợp. Đề cập đến danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu này như trong dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) còn chưa rõ ràng và sẽ là một thách thức không nhỏ để có thể triển khai, mang lại ý nghĩa khen thưởng, động viên thực chất trong thực tế. Đại biểu đặt vấn đề, làm thế nào lượng hóa được tiêu chuẩn có kinh tế ổn định và phát triển để được công nhận “Gia đình văn hóa”. Ví dụ như thu nhập của hộ gia đình tăng lên có thể được xem là một trong những cơ sở tham chiếu cho tiêu chuẩn này nhưng nếu như thu nhập tăng mà giá cả hàng hóa cũng tăng theo thì nguồn thu nhập tăng thêm đó có bảo đảm cho sự phát triển.
Có thể nhận thấy, danh hiệu “Gia đình văn hóa” trong thời gian qua ở một số nơi có xu hướng trở nên “đại trà”, thậm chí dễ dãi trong xét tặng. Điều này khiến nhiều người nhìn nhận chưa đúng về vai trò của danh hiệu cũng như vinh dự của những gia đình được tặng danh hiệu. Để khắc phục vấn đề này đòi hỏi trong khen thưởng, xét tặng danh hiệu không thể dễ dãi, xuê xoa, chạy theo thành tích mà cần bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời và nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Rất mong các đại biểu Quốc hội tiếp tục bàn bạc để việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng sẽ tạo ra sự đổi mới cho công tác này trong thời gian tới, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Ý kiến ()