Thí điểm thành công dịch vụ ngân hàng lưu động
LSO-Nhằm đưa dịch vụ ngân hàng đến gần người dân nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) đã triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng thí điểm tại huyện Hữu Lũng. Sau 3 tháng hoạt động, dịch vụ phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các giao dịch ngân hàng.
Khách hàng giao dịch tại phiên giao dịch lưu động ở UBND xã Vân Nham |
Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng được Agribank Lạng Sơn triển khai trên địa bàn huyện Hữu Lũng từ cuối tháng 1/2018 – địa bàn mà người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, khoảng cách từ trụ sở ngân hàng đến các xã khá xa, có xã cách trung tâm huyện hơn 30 km, hệ thống đường liên xã, liên thôn còn nhiều khó khăn. Nhằm khắc phục những hạn chế trên, điểm giao dịch lưu động sẽ giúp người dân thực hiện các giao dịch ngân hàng ngay tại trụ sở UBND xã.
Với cơ cấu tổ chức như một chi nhánh của Agribank, điểm giao dịch lưu động được sử dụng con dấu và tư cách pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định cũng như triển khai các dịch vụ của ngân hàng như: nhận gửi tiền; rút tiền; rút tiết kiệm; thực hiện giải ngân, thu nợ, thu lãi vay của cá nhân thuộc địa bàn; phát hành các loại thẻ… Hiện tại, điểm giao dịch lưu động thực hiện từ 1 đến 2 phiên trong tháng tại trụ sở UBND xã. Quá trình giao dịch luôn có công an và nhân viên bảo vệ của Agribank đảm bảo an ninh. Trên xe chuyên dùng được trang bị két sắt, có thiết bị định vị và camera giám sát báo động… đảm bảo mọi hoạt động được thực hiện ngay trên xe.
Bà Hoàng Kim Ngân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Hữu Lũng cho biết: Mặc dù điểm giao dịch mới đưa vào hoạt động, còn nhiều người dân chưa biết đến, nhưng tính đến đầu tháng 4/2018, chi nhánh đã thực hiện được 3 phiên giao dịch, trong đó 2 phiên tại UBND xã Vân Nham là trung tâm cụm 4 xã: Vân Nham, Minh Tiến, Đồng Tiến, Đô Lương; 1 phiên tại UBND xã Yên Bình là trung tâm cụm 4 xã: Yên Bình, Quyết Thắng, Tân Lập, Thiện Kỵ. Qua đó phục vụ được cho gần 300 khách hàng thực hiện giao dịch. Người dân nông thôn đã nhận thấy tiện ích từ dịch vụ.
Ông Lê Khắc Trường, thôn Liên Phương, xã Đồng Tiến cho biết: Gia đình tôi kinh doanh cám chăn nuôi, thường xuyên phải giao dịch tại ngân hàng để thanh toán tiền cám với công ty hoặc nhận tiền khách hàng trả. Trước đây cứ phải lặn lội ra tận ngân hàng huyện, có hôm đông khách phải đợi cả buổi mới xong việc. Giờ chi nhánh có điểm giao dịch đến gần nhà, gia đình tôi chỉ cần đăng ký lịch thanh toán với công ty trùng với phiên giao dịch là yên tâm, vừa không mất chi phí đi lại, vừa nhanh gọn không lãng phí thời gian.
Không chỉ những hộ kinh doanh, những hộ có dư nợ tại ngân hàng như gia đình ông Hoàng Văn Quân, thôn Làng Lỉ, xã Yên Bình cũng rất thuận lợi trong việc trả lãi vay hằng tháng. Rõ ràng, điểm giao dịch lưu động không chỉ thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các giao dịch, mà một vấn đề quan trọng hơn nữa đó là người dân vùng sâu, vùng xa có thể được tư vấn các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các chính sách vay vốn sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế.
Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Một trong những ưu điểm nổi trội nhất của dịch vụ ngân hàng lưu động mà Agribank Lạng Sơn đang triển khai đó là người dân vùng nông thôn sẽ được nhân viên ngân hàng tư vấn, hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục ngay tại xã, nhất là những khách hàng có nhu cầu vay vốn thì được nhân viên thực hiện giải ngân ngay tại điểm giao dịch mà không cần phải đi lại nhiều lần lên chi nhánh huyện như trước đây, vừa tiết kiệm, vừa an toàn. Tới đây, Agribank Lạng Sơn tiếp tục tuyên truyền, hoàn thiện một số vấn đề liên quan đến nhân sự và kế hoạch triển khai để có thể mở các phiên giao dịch ở tất cả các xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng, ít nhất mỗi tháng một phiên nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân nông thôn. Trong tương lai, mô hình này phát huy tốt hiệu quả, đơn vị sẽ mở các điểm giao dịch lưu động trên địa bàn toàn tỉnh.
ANH DŨNG
Ý kiến ()