Thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã
Mô hình nhất thể hóa chức danh lãnh đạo Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND là nét mới trong công tác quản lý cán bộ, điều hành bộ máy chính quyền ở cơ sở, theo hướng dẫn số 25 của Ban tổ chức T.Ư. Tỉnh Bình Phước triển khai thí điểm mô hình này tại thị trấn Tân Phú (huyện Ðồng Phú) và hai xã Ðường Mười (huyện Bù Ðăng), Minh Thành (huyện Chơn Thành) đã phát huy hiệu quả bước đầu.
Mô hình nhất thể hóa chức danh lãnh đạo Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND là nét mới trong công tác quản lý cán bộ, điều hành bộ máy chính quyền ở cơ sở, theo hướng dẫn số 25 của Ban tổ chức T.Ư. Tỉnh Bình Phước triển khai thí điểm mô hình này tại thị trấn Tân Phú (huyện Ðồng Phú) và hai xã Ðường Mười (huyện Bù Ðăng), Minh Thành (huyện Chơn Thành) đã phát huy hiệu quả bước đầu.
Nhều cán bộ, công chức đã về hưu và đương chức trăn trở, phân tích, tranh luận khá sôi nổi về mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Người thì nói tốt, người thì không đồng tình, cho rằng tập trung quyền lực có thể dẫn đến độc quyền. Ðể làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi ý kiến với đồng chí Trần Văn Hồng (trong ảnh), Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thị trấn Tân Phú (huyện Ðông Phú).
Thị trấn Tân Phú có diện tích tự nhiên hơn ba nghìn ha, 8.153 nhân khẩu, với 2.187 hộ sống phân bố ở bốn khu phố và một ấp. Hiện nay, thị trấn phát triển nhiều mô hình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, do đó có một phần ba số hộ dân ở đây có thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm, chỉ còn 21 hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới. Có thể nói, đây là đơn vị hành chính có những điểm đặc thù, đó là phát triển đan xen giữa nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, vừa lưu giữ những nét mộc mạc của nông thôn, vừa pha một chút văn minh đô thị.
Mặc dù mô hình trên chưa được tổng kết, đánh giá nhưng qua những việc cụ thể, nhất là những góp ý của người dân, thì kết quả đạt được là: công tác giải quyết khiếu nại của người dân nhanh hơn trước, không tồn đọng; người dân bớt than phiền về những phiền hà không đáng có trong các thủ tục hành chính; khoảng cách giữa Ðảng, chính quyền được rút ngắn và gần như đồng bộ; chính quyền có thể làm trực tiếp, làm ngay sau các cuộc họp mà không cần chờ văn bản chỉ đạo của Ðảng ủy, đồng chí Trần Văn Hồng chia sẻ. Theo ông Trần Văn Lâm, người dân sống ở thị trấn Tân Phú, nhất thể hóa lãnh đạo thế nào thì không rõ, chỉ thấy việc giải quyết khiếu nại nhanh hơn mọi khi, cần gặp lãnh đạo để trình bày việc gì cũng dễ hơn trước.
Nhìn ở góc độ tổ chức, thì cơ cấu bộ máy của UBND thị trấn giảm đáng kể, từ 23 biên chế nay còn 20; các thủ tục hành chính giữa Ðảng và UBND được rút ngắn, người chỉ đạo, điều hành biết đâu là vướng mắc và xử lý luôn. Theo đồng chí Trần Văn Hồng, cơ chế quản lý của ta là Ðảng lãnh đạo chính quyền bằng nghị quyết và kiểm tra quá trình thực hiện nghị quyết chứ không làm thay. Trong vai trò chỉ đạo của Ðảng thì tôi là bí thư, khi thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, thì tôi là chủ tịch. Thực ra hai trong một cũng rất tiện. Mình làm có gì vướng mắc xử lý luôn, sau đó thông báo sau cho anh em. Thuận lợi nhất là giảm được khâu hành chính giữa Ðảng xuống chính quyền. Học tập Bác Hồ, cái nào lợi cho dân, không vi phạm pháp luật, thì phải cố sức làm, cái nào có hại cho dân, thì ra sức tránh.
Cái được là vai trò lãnh đạo của Ðảng ở địa phương được nâng cao và hiệu quả nhưng cũng nảy sinh một số vướng mắc cần tháo gỡ, đồng chí Trần Văn Hồng cho biết thêm. Các vướng mắc là đóng vai hai người trong một, khi nào là bí thư, khi nào là chủ tịch, nhất là trong các cuộc họp. Chẳng hạn, cuộc họp có năm đồng chí chủ chốt (chủ tịch UBND, bí thư, phó bí thư, chủ tịch MTTQ và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Ðảng ủy) có hai ý kiến trái chiều với ý kiến của bí thư, nếu biểu quyết, thì thiểu số vẫn phục tùng đa số. Nhưng ở mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch, thì chỉ cần thêm một đồng chí có ý kiến “hợp” với ý kiến của bí thư, thì có thể vấn đề sẽ được “lái” sang chiều hướng khác, hoặc có lợi, hoặc bất lợi cho các thành viên có ý kiến trái chiều. Do đó, nếu không cẩn thận, sáng suốt, không vì lợi ích chung, thì khi quyền lực rơi vào tay một người dễ dẫn tới những quyết định sai lầm, gây hậu quả đáng tiếc cho cộng đồng. Ðây là một thực tế nảy sinh từ mô hình này cần phải có hướng khắc phục.
Có thể nói, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng và UBND đã tinh giản được bộ máy, nhiều khâu hành chính đã được giải quyết nhanh, giải quyết dứt điểm và tập trung hơn trước. Tuy nhiên, cần xác định rõ vai trò, năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm của chức danh này, phát huy mặt tốt, mặt thuận lợi, nhưng cũng cần khắc phục những vướng mắc, mâu thuẫn nảy sinh. Chỉ khi giải quyết tốt, hài hòa hai mặt của vấn đề thì mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND mới phát huy tối đa hiệu quả, thúc đẩy kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương phát triển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()