Thi công các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A
Chiều 6-2, tại xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và tỉnh Hà Tĩnh cùng các chủ đầu tư và nhà thầu tổ chức lễ ra quân đầu năm 2014 - Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn Nam tuyến tránh TP Hà Tĩnh đến Ðèo Ngang (Kỳ Anh). Ðây là dự án có tổng chiều dài 76,44 km, đi qua địa bàn hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Dự án được khởi công ngày 5-9-2013, do ba đơn vị làm chủ đầu tư, gồm: Sở GTVT Hà Tĩnh, Ban Quản lý dự án an toàn giao thông và Ban Quản lý dự án 6 đều thuộc Bộ GTVT.
Tại buổi lễ ra quân đầu năm 2014, các chủ đầu tư cùng với nhà thầu và tư vấn giám sát đã cam kết huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 12-2014 và bảo đảm chất lượng. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng cam kết, bàn giao mặt bằng sạch chậm nhất là đến ngày 20-2 và bảo đảm tốt an ninh trật tự trong quá trình thi công công trình.
* Ngày 6-2, tất cả các doanh nghiệp, đơn vị tham gia thi công các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Bình ra quân với khí thế thi đua sôi nổi. Tại Quảng Bình, việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A gồm bốn dự án thành phần với chiều dài 144 km, tổng mức đầu tư khoảng 6.939 tỷ đồng. Trong đó hai dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, số vốn 3.951 tỷ đồng và hai dự án BOT với số vốn 2.988 tỷ đồng. Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện giải phóng mặt bằng đạt 70% về số lượng với chiều dài hơn 110 km và phấn đấu đến tháng 3-2014 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Ngay trong ngày đầu ra quân, các nhà thầu đã huy động một lượng lớn cán bộ, công nhân và hàng nghìn phương tiện xe, máy tập trung thi công các đoạn tuyến đã được giao mặt bằng. Lãnh đạo các tập đoàn, công ty thi công công trình cam kết quyết tâm thực hiện công trình trọng điểm quốc gia bảo đảm chất lượng và vượt tiến độ đề ra từ ba đến sáu tháng.
* Trong những ngày đầu Xuân, tại cảng Gò Dầu, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã xuất khẩu 11.500 tấn a-lu-min. Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả cùng Công ty cổ phần Than miền Nam tổ chức bốc xếp số a-lu-min này xuống tàu Sea Dream, trọng tải 12 nghìn tấn, để tàu rời cảng đúng thời gian quy định. Công ty cổ phần Than miền Nam cũng đã ra quân thực hiện nhiệm vụ cung cấp than phục vụ sản xuất của Nhà máy a-lu-min, Tổ hợp bô-xít Nhôm Lâm Ðồng, đồng thời vận chuyển a-lu-min về cảng Gò Dầu, phục vụ những hợp đồng xuất khẩu sắp tới.
* Tại Thừa Thiên – Huế, trong hai ngày 5 và 6-2, các doanh nghiệp trên địa bàn đã đồng loạt ra quân sản xuất đầu năm mới Giáp Ngọ. Tại Công ty CP Dệt may Huế, gần 1.500 công nhân, kỹ thuật đã ra quân bấm máy sản xuất, sẵn sàng cho năm làm việc 2014. Năm nay, Công ty CP Dệt may Huế phấn đấu giá trị xuất khẩu đạt 90 triệu USD, doanh thu 1.450 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 5,5 triệu đồng/tháng. Năm 2013, ngành dệt may Thừa Thiên – Huế đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 422 triệu USD, trở thành nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của địa phương. Hiện Thừa Thiên – Huế có hơn 20 doanh nghiệp dệt may (trong đó có hai doanh nghiệp FDI), thu hút hơn 10 nghìn lao động, năm 2014, ngành này phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 460 triệu USD.
Ngày 6-2, hàng trăm khách hàng đến đăng ký đặt hàng và mua xi-măng tại Công ty CP Long Thọ – Huế. Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Văn Trung cho biết, năm nay công ty tổ chức ra quân sản xuất và bán hàng muộn hơn mọi năm, song lượng khách hàng không vì thế mà giảm. Tổng lượt khách hàng đến đăng ký, đặt cọc tiền và mua sản phẩm trực tiếp trong ngày đầu năm mới hơn 200 lượt, tương đương với từ 8.000 đến 9.000 tấn xi-măng bán ra, doanh thu trong ngày ra quân đạt hơn chín tỷ đồng. Cả hai nhà máy sản xuất xi-măng, gạch ngói, tấm lợp ở Thủy Biều (TP Huế) và Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) đều đã trở lại hoạt động sản xuất bình thường với lượng công nhân lao động làm việc đạt 100%. Năm 2014, Công ty CP Long Thọ phấn đấu đạt doanh thu 170 tỷ đồng, sản xuất khoảng 430 nghìn tấn xi-măng, 1,5 triệu viên gạch, 800 nghìn tấm lợp.
* Tại Cảng số 1 Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi), sáng 6-2 đã xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên trong năm mới Giáp Ngọ với hơn 35 nghìn tấn dăm gỗ cho tàu Horizonfrep đi Trung Quốc.
Trong những ngày đầu năm mới, cán bộ, công nhân Cảng số 1 Dung Quất đã bố trí nhiều ca lao động liên tục trong ngày, bảo đảm bốc xếp hàng chục nghìn tấn dăm gỗ xuất khẩu đúng hợp đồng của khách hàng. Hiện nay, Cảng số 1 Dung Quất tiếp tục bố trí lực lượng bốc xếp khoảng 32 nghìn tấn gỗ dăm cho con tàu hàng thứ hai đi Trung Quốc. Sau Tết, hàng hóa xuất đi từ cảng Dung Quất chủ yếu là dăm gỗ và thiết bị công nghiệp theo hợp đồng vận chuyển của khách hàng đến các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Riêng trước và trong Tết, Cảng số 1 Dung Quất cũng đã bốc xếp hơn 10 nghìn tấn gỗ dăm cho tàu hàng đi Trung Quốc.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()