Theo sát diễn biến việc làm, thu nhập của công nhân, lao động
Dù được hưởng lợi lớn khi tỷ giá USD tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu trong các lĩnh vực như da giày, may mặc, đồ gỗ… xuất hiện tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ đầu quý III. Một số doanh nghiệp đã phải cho người lao động nghỉ luân phiên, nghỉ cuối tuần, thậm chí đóng dây chuyền sản xuất.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp quy mô lớn tại các tỉnh phía nam đã chấm dứt hợp đồng lao động với hàng nghìn công nhân, lao động. Thời điểm cuối năm sắp đến, đông đảo công nhân, lao động mong muốn được tăng ca để có thêm thu nhập, nhằm trang trải chi phí sinh hoạt khi giá cả ngày càng leo thang, cũng như có một khoản chi tiêu vào dịp Tết.
Tuy nhiên, những thông tin không vui nêu trên khiến một bộ phận người lao động lo lắng. Dù nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm duy trì sản xuất, nhưng một số doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch đề ra, buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Một số doanh nghiệp dù có kế hoạch giảm sản xuất nhưng vẫn nỗ lực giữ chân công nhân bằng nhiều cách như trả lương đầy đủ trong những ngày phải ngừng việc.
Nếu người lao động quyết định nghỉ việc, tìm công việc mới, doanh nghiệp vẫn thanh toán hai tháng tiền lương cơ bản, hứa hẹn tiếp tục nhận vào làm việc trở lại nếu tình hình đơn hàng ổn hơn.
Một số doanh nghiệp dù có kế hoạch giảm sản xuất nhưng vẫn nỗ lực giữ chân công nhân bằng nhiều cách như trả lương đầy đủ trong những ngày phải ngừng việc.
Một số doanh nghiệp sắp xếp cho người lao động nghỉ từ 3-4 ngày trong một tháng bằng các hình thức nghỉ phép năm; đối với lao động hết phép, cho nghỉ chờ việc để hưởng lương tối thiểu vùng.
Khảo sát nhanh tình hình lao động, việc làm tại Bình Dương, đại diện tổ chức công đoàn tỉnh cho biết, đã có những doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng phải cắt giảm dần ngày công của công nhân, lao động.
Tổ chức công đoàn kịp thời bám sát, nắm chắc tình hình sản xuất của doanh nghiệp, tâm tư của người lao động, động viên doanh nghiệp cố gắng trả lương đầy đủ trong những ngày lao động nghỉ làm theo đúng luật định; bố trí ngày làm việc luân phiên, bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Báo cáo nhanh từ công đoàn cơ sở cho thấy, phần lớn doanh nghiệp rơi vào tình trạng khan hiếm đơn hàng vẫn đang trả đủ lương ngừng việc cho công nhân, lao động với mức từ 180 nghìn-200 nghìn đồng/ngày.
Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 28 nghìn công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đã phải ngừng đóng bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp gặp khó khăn. Dự báo trước tình hình này, tổ chức công đoàn đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ủng hộ 40 nghìn suất quà tặng công nhân, lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 thay vì 12 nghìn-14 nghìn suất quà như mọi năm.
Các chuyên gia lao động, công đoàn dự báo, tình hình khó khăn có thể phải kéo dài sang quý II/2023. Các doanh nghiệp cần chủ động sớm đưa ra kế hoạch ứng phó dài hạn, tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng thêm thị trường, nhất là khu vực còn ổn định, ít lạm phát, chưa được khai thác nhiều như châu Phi, khu vực Trung Đông…
Các chuyên gia lao động, công đoàn dự báo, tình hình khó khăn có thể phải kéo dài sang quý II/2023. Các doanh nghiệp cần chủ động sớm đưa ra kế hoạch ứng phó dài hạn, tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng thêm thị trường.
Nhận định tình hình việc làm, thu nhập của đoàn viên, người lao động có thể khó khăn kéo dài, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn gửi các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão cho công nhân, lao động cả nước, với phương châm: Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết.
Theo đó, công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết. Kịp thời phát hiện, có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản; tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; triển khai biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết…
Ý kiến ()