Giám đốc Nguyễn Đại Thành (người ngoài cùng bên phải) hướng dẫn bà con dân tộc Mông trồng cỏ VA 06. "Làm anh khuyến nông chẳng phải theo nghiệp tri điền cùng nông dân đó sao!". Thạc sĩ nông nghiệp Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, mở đầu câu chuyện về nghề với tôi như thế. Anh nói, từ trước năm 2004, trong nhiều nghị quyết, Tỉnh ủy luôn đặt vấn đề "củng cố hệ thống khuyến nông", xây dựng nền nếp canh tác nông nghiệp một cách bài bản... Trong xây dựng nông thôn mới, đây là vấn đề quan trọng không chỉ trước mắt mà còn rất cơ bản, lâu dài.Có duyên với nghiệp nhà nôngNguyễn Đại Thành sinh năm 1972. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt, anh về làm cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tháng 1-2000, anh được luân chuyển lên làm Phó rồi Chánh Văn phòng Huyện ủy Nà Hang. Công tác tốt, tháng 1-2004, anh được cử làm...
Giám đốc Nguyễn Đại Thành (người ngoài cùng bên phải) hướng dẫn bà con dân tộc Mông trồng cỏ VA 06. |
“Làm anh khuyến nông chẳng phải theo nghiệp tri điền cùng nông dân đó sao!”. Thạc sĩ nông nghiệp Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, mở đầu câu chuyện về nghề với tôi như thế. Anh nói, từ trước năm 2004, trong nhiều nghị quyết, Tỉnh ủy luôn đặt vấn đề “củng cố hệ thống khuyến nông”, xây dựng nền nếp canh tác nông nghiệp một cách bài bản… Trong xây dựng nông thôn mới, đây là vấn đề quan trọng không chỉ trước mắt mà còn rất cơ bản, lâu dài.
Có duyên với nghiệp nhà nông
Nguyễn Đại Thành sinh năm 1972. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt, anh về làm cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tháng 1-2000, anh được luân chuyển lên làm Phó rồi Chánh Văn phòng Huyện ủy Nà Hang. Công tác tốt, tháng 1-2004, anh được cử làm Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy. Vẫn làm tốt, nhưng… “đùng một cái”, tháng 7-2004, anh được điều “xuống” làm Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Tôi hỏi anh có “lăn tăn” không, anh cười: “Thế là có… duyên với nông nghiệp, nông dân chứ!”. Tôi biết, đó thật sự là thử thách gây sự hào hứng cho người trai trẻ bản lĩnh này. Anh nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để củng cố, tạo bước chuyển cho chính đội ngũ cán bộ khuyến nông. Anh lao vào công việc và đề ra phương châm hành động: “Tìm tòi cái mới, làm đến cùng”!
Anh kể, vụ đông năm 2005, Trung tâm triển khai kỹ thuật trồng đỗ tương trên đất ruộng bằng phương pháp làm đất tối thiểu ở một số nơi. Việc đơn giản như… đùa: bới gốc rạ, đặt hạt đậu tương giống vào, không cần cày bừa gì cả. Có cán bộ huyện không tin kỹ thuật “kỳ lạ” ấy. Do bám sát đồng ruộng, vừa làm vừa giảng giải cho nông dân, ba tháng sau (12-2005), các xã Ninh Lai (Sơn Dương), Bình Xa, Phù Lưu (Hàm Yên), Hòa An, Bình Nhân (Chiêm Hóa) đều đạt năng suất 1,5 – 1,6 tấn/ha. Anh nói, từ việc “chưa ai nghĩ đến” này thành công, trung tâm kiên trì mở rộng dần diện tích qua từng năm. Ngoài khoản thu khá trên đất bỏ trống vụ đông, còn giúp cải tạo đất, năng suất lúa vụ xuân sau tăng rõ rệt. Dân phấn khởi vì một công đôi ba việc, lợi nhà mà lại góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gần 1.000 ha đậu tương đông.
Nói về sự kiên trì, Nguyễn Đại Thành kể, năm 2005 trung tâm đưa giống lúa chất lượng cao HT1 vào trồng ở diện tích 10 ha. Đến nay, những nơi bà con có trình độ thâm canh khá đều đưa các giống chất lượng cao: HT1, Bắc Thơm số 7, Hương Cốm, nếp N97… vào sản xuất hàng hóa, toàn tỉnh đã đạt gần 2.000 ha. Tính ra, năng suất trung bình đạt từ 5,5 tấn thóc/ha trở lên, nhưng tăng giá trị hàng hóa từ 1.500 – 2.000 đồng/kg gạo so với gạo thường.
Đối với cây ngô, trung tâm đã tạo được bước đột phá bằng biện pháp kỹ thuật trồng ngô (B 06, C 919, LVN 99) mật độ dày từ 6,5 – 7 vạn cây/ha, năng suất tăng từ 45 tạ/ha trước đây, lên 65 tạ/ha hiện nay. Lúc đầu, ở xã Vân Sơn (Sơn Dương), có nhà, vợ trồng theo phương pháp cũ, chồng trồng theo khuyến nông, cuối vụ chồng thắng, vợ thua, từ đó việc vận động dễ dàng lan ra nhiều hộ. Bên cạnh đó, lúa lai đều chiếm từ 55 – 60% diện tích, nâng tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh năm 2008 lên gần 320.000 tấn, tăng hơn 13.000 tấn so với năm 2004; nay vẫn ổn định ở mức 330.000 tấn.
Tính chung 5 năm qua, hệ thống khuyến nông tỉnh đã xây dựng và thực hiện được 932 mô hình, trong đó có 64 mô hình của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, còn lại là của địa phương.
Hướng về dân nghèo vùng sâu, vùng xa
Những năm qua, trung tâm rất coi trọng việc xây dựng và thực hiện mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật mới để nông dân học tập và làm theo. Vùng sâu, vùng xa, vùng cao dân nghèo, dân trí thấp càng cần nhiều mô hình cụ thể. Nguyễn Đại Thành có kỷ niệm rất cảm động. Đó là lần anh lên xã Đà Vị (Nà Hang) chuyển giao kỹ thuật trồng cỏ giống VA 06. Bỗng có điện thoại của ông Hoàng Văn Sinh, dân tộc Mông ở thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn gọi ra, đề nghị khuyến nông tỉnh cho giống cỏ về trồng. Anh nhận lời ngay. Mùa đông rét cắt thịt da năm 2008, Nà Hang bị chết rét hàng nghìn con trâu bò thả rông trong rừng. Nhớ lại, anh nói: Rất vui khi ông tìm đến khuyến nông, xin được tặng ông 100 kg. Rồi hai bố con ông đi bộ mấy chục cây số ra vác cỏ ngược núi về… Đến nay, đồng bào Dao, Mông, Tày ở các xã ở vùng cao Nà Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa đã trồng được hàng chục ha cỏ VA 06, làm thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông gia súc sang chăn dắt kết hợp nuôi nhốt chuồng.
Năm ngoái, bằng nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trung tâm triển khai mô hình nuôi vỗ béo 120 con bò thịt ở xã Hùng Lợi (Yên Sơn) và Phú Thịnh (Sơn Dương). Mỗi xã 20 hộ, 60 con bò, riêng Hùng Lợi đều là đồng bào Mông. Trong ba tháng (từ 9 – 12-2011), mỗi con bò được hỗ trợ 270 kg cám hỗn hợp (11.400 đồng/kg), kết quả bò tăng trọng từ 62 – 66 kg/con, tính ra lợi nhuận đạt 2,5 đến 3 triệu đồng/con.
Vụ lúa xuân 2011, Trung tâm lên thôn Yên Lập 1, xã Yên Phú (Hàm Yên) xây dựng mô hình thử nghiệm “phân nén dúi sâu”. Cả thôn có 56 hộ dân tộc Dao, trong đó có 46 hộ nghèo; điện lưới, điện thoại di động đều chưa có. Giảng giải, vận động cả ngày cả buổi mới được mỗi ông Đặng Văn Chín, cán bộ khuyến nông thôn nhận làm. Một hộ cũng triển khai bài bản và mời dân chứng kiến. Đồng ruộng ở đây đất pha cát, lúa lai thâm canh giỏi cũng chỉ đạt 1,7 đến 1,8 tạ thóc/sào. Thế mà vào vụ thu hoạch, mô hình thử nghiệm đạt gần 2,7 tạ/sào.
Có thể nói, công tác khuyến nông đã làm được những điều kỳ diệu cho nông nghiệp, nông dân. Nguyễn Đại Thành khẳng định, đó là thắng lợi của đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước. Anh cho rằng, với đội ngũ cán bộ khuyến nông không nhiều (cấp tỉnh 18, cấp huyện 155, cấp xã 138 và thôn bản 2.058 người), làm được thế là nhờ phối hợp các cấp, các ngành, dựa vào sức mạnh truyền thông. Công tác truyền thông đã làm không chỉ người nông dân nâng cao được trình độ sản xuất, mà làm cả xã hội quan tâm đến chính sách “tam nông”. Trung tâm phối hợp Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh mở các chuyên mục tuyên truyền thường xuyên về các điển hình trong thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, giới thiệu tiến bộ kỹ thuật mới… Trung tâm còn xuất bản mỗi tháng một kỳ Bản tin Khuyến nông phát hành trong hệ thống khuyến nông tỉnh. Ngoài ra, trung tâm còn biên soạn và phát hành 1 triệu 274 nghìn 950 tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật theo thời vụ; tham gia tổ chức các hội thi, hội chợ về khuyến nông, khuyến ngư.
Công tác đào tạo cán bộ khuyến nông, đào tạo nông dân được thông qua các lớp tập huấn. Những năm gần đây, trung tâm tổ chức đào tạo tại hiện trường được 2.465 lớp với 47.296 lượt nông dân tham gia, trong đó có 30.572 lượt phụ nữ (64,11%), 45.152 lượt đại diện hộ nghèo (95,26%). Nguyễn Đại Thành có vẻ tâm đắc với công tác này. Anh bảo, nội dung tập huấn phong phú, hướng dẫn sâu về kỹ thuật của từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi thiết thực với nông dân. Bà con hứng thú với cái mới trong công việc nhà nông xưa cũ, vừa học lý thuyết vừa thực hành, tùy từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, có khi lên đến 12 buổi.
Cùng với 426 mô hình trình diễn, làm ăn thời nay không còn là chuyện “đèn nhà ai nhà nấy rạng” mà đã được xã hội hóa. Cái hay, cái tốt có điều kiện lan tỏa đến tận vùng sâu, vùng xa, dần xóa được nghèo đói “thâm căn cố đế” bao đời.
Theo Nhandan
Ý kiến ()