Theo dõi, bám sát kết quả thực hiện việc giám sát, phản biện để đạt hiệu quả cao nhất
Sáng 10/8, tại Đồng Nai, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì, chỉ đạo hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trực thuộc Trung ương, từ Đà Nẵng trở vào.
Qua hơn hai năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày càng gắn bó, mật thiết hơn. Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội đã có những cách làm hay, sáng tạo, luôn chủ động đổi mới nội dung, phương thức trong việc giám sát, phản biện các vấn đề người dân quan tâm, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực xây dựng Đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, công tác giám sát và phản biện xã hội vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, nhất là về năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của một số cán bộ còn hạn chế dẫn đến công tác giám sát, phản biện chưa phát huy hiệu quả cao.
Về thực hiện quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân, đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, các Chương trình phối hợp giám sát đã thu được những kết quả có ý nghĩa trên nhiều phương diện và tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó, một số chương trình giám sát đã hoàn thành, đạt kết quả theo tiến độ đề ra, được dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao như: Chương trình phối hợp về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong hai năm 2014 – 2015; Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan…
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tổ chức góp ý phản biện xã hội đối với hàng chục dự thảo, nghị định và các dự án, chương trình dự thảo quan trọng liên quan tới quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tới phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, một số tổ chức thành viên cũng tổ chức phản biện đối với nhiều đề án, chương trình, dự thảo văn bản pháp luật liên quan trực tiếp chức năng, nhiệm vụ tổ chức mình và quyền, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên.
Nhìn chung, nhiều ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương các tổ chức thành viên của Mặt trận đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng và đáng tin cậy, giúp Đảng và Nhà nước khi xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Để phát huy tốt hơn, thực chất hơn quyền làm chủ của nhân dân đòi hỏi các cấp ủy đảng, các đoàn thể chính trị – xã hội giám sát, phản biện phải lựa chọn những vấn đề mà người dân quan tâm, không phải những vấn đề xuất phát từ ý chí của người lãnh đạo. Đồng thời chú trọng, tiếp tục nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội, tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác giám sát, phản biện; nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác phối hợp giữa các đoàn thể, các cấp chính quyền trong tổ chức giám sát, phản biện. Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng yêu cầu, sau khi giám sát, phản biện phải theo dõi, bám sát kết quả thực hiện việc giám sát, phản biện để đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng được kỳ vọng, niềm tin của người dân.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()