Theo chân đoàn 70 văn nghệ sĩ cả nước "Qua miền Tây Bắc, về với Điện Biên"
Đoàn văn nghệ sĩ trong cả nước vừa hoàn thành chương trình hành hương về nguồn "Qua miền Tây Bắc, về với Điện Biên" do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các hoạt động phong phú, mang nhiều ý nghĩa đã để lại ấn tượng với đồng bào vùng Tây Bắc- Điện Biên, khơi dậy nhiều cảm hứng sáng tác.
Đoàn văn nghệ sĩ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với hành trình “Qua miền Tây Bắc, về với Điện Biên" lên đường vào sáng 15/4. Đoàn do Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Việt Nam dẫn đầu.
Đoàn bao gồm 70 văn nghệ sĩ của các cơ quan trong liên hiệp cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc Việt Nam, Thời báo Văn học nghệ thuật... với nhiều bậc cao niên và tên tuổi như: nhà thơ Vũ Quần Phương, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội nay đã 85 tuổi; nhà báo Đỗ Quảng 81 tuổi; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện 77 tuổi... cùng nhiều tên tuổi trong làng văn học nghệ thuật.
Buổi lên đường, trong tiếng nhạc hào hùng "Giải Phóng Điện Biên” của đoàn quân nhạc, toàn đoàn đã trang nghiêm và kính cẩn ra Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dâng hương hoa tưởng nhớ tới công ơn Người và xin phép Bác lên đường, toàn đoàn cũng tới tư dinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ dâng hoa và dâng hương lên Đại tướng...
Với hành trình 8 ngày, đoàn đã lần lượt qua các địa phương: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên... thăm các di tích lịch sử: Tượng đài Bác Hồ tại Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, Bảo tàng dân tộc Mường tại tỉnh Hoà Bình, khu di tích Nhà tù Sơn La; dâng hương tại Đền thờ các liệt sĩ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, Đồi Him Lam, thăm chỉ huy sở chiến dịch tại Mường Phăng, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ và hầm De Castri tại tỉnh Điện Biên...
Những dấu tích lịch sử cùng những chiến công ngời sáng của bộ đội, dân công ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm đã tạo nên những rung động, xúc cảm rất mạnh mẽ cho các văn nghệ sĩ trong đoàn, để rồi nhà thơ Vũ Quần Phương có ngay một chùm thơ tinh khôi về Điện Biên. Nhạc sĩ, Đại tá Trọng Lưu (con trai của tác giả ca khúc "Người Châu Yên em bắn máy bay" - Đại tá Trọng Loan) cũng có ngay sáng tác mới là bài hát "Cảm xúc Điện Biên". Anh hùng Lao động, Giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Anh Trí có bài hát mới "Tình Bác mãu tỏa lan", Bài hát được sáng tác ngay khi nhạc sĩ tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ và nghe câu chuyện do Thiếu tướng, Phó Giáo sư Hồng Sơn kể về Bác Hồ.
Điều nhiều người mong chờ ở đoàn là những chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật phối hợp với lực lượng văn học nghệ thuật các địa phương phục vụ đồng bào các dân tộc ở các địa phương đoàn thăm. Ghi nhận chung, qua những đêm giao lưu biểu diễn tại Hòa Bình, Sơn La, chân tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ..., các chương trình nghệ thuật của đoàn được nhiệt liệt hoan nghênh, làm nên những âm hưởng và cảm hứng dào dạt, góp phần vào không khí sôi nổi của vùng Tây Bắc và Điện Biên trong những ngày hướng về lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Nhiều tiết mục của đoàn hết sức đặc sắc như màn hát múa “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận do chính con trai ông - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thể hiện rất sôi nổi với tiếng kèn trompet của nghệ sĩ Hà Đình Cường hay tiết mục trình diễn ca khúc "Tướng quân Võ Nguyên Giáp" do giọng hát xuất sắc của Đoàn nghệ thuật Quân khu 1 do nghệ sĩ Dương Đức trình bày và bài hát “Tôi đã nghe Tổ quốc gọi tên mình” do chính nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn hát cùng Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên. Nghệ sĩ Thế Hiển từ miền nam ra cũng song ca cùng Dương Đức bài "Hát về anh" đầy xúc động, tự hào...
Một hoạt động rất ý nghĩa khác của đoàn tại Điện Biên là hội thảo khoa học “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật của Liên hiệp tổ chức. 35 đại biểu đã có tham luận trình bày tại hội thảo, trong đó có: Giáo sư Hà Minh Đức; Nghệ sĩ nhân dân, họa sĩ Vương Duy Biên; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý; nhà thơ Vũ Quần Phương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện; Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, hoạ sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú...
Hội thảo cho thấy không khí học thuật trang nghiêm, có sức lan tỏa lớn, mang những ý nghĩa lớn lao về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thúc đẩy mạnh mẽ sự thăng hoa, sức sáng tạo cho các văn nghệ sĩ về đề tài Điện Biên Phủ, để từ đó, tiếp tục có thêm nhiều sáng tác có giá trị về Điện Biên Phủ trên tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật của nước nhà...
Ý kiến ()