Thêm vững bước trên những nẻo đường tuần tra (Kỳ 1)
– Trong một năm qua, từ đợt vận động đặc biệt do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn phát động, hơn 120 đường nhánh lên kiểm tra cột mốc quốc giới trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng kiên cố với kinh phí hàng tỷ đồng do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp. Những công trình này không chỉ góp phần giúp cán bộ chiến sỹ biên phòng thêm vững bước trên đường tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc mà còn trở thành biểu tượng của tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết quân dân, biểu tượng cho ý chí, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Kỳ 1. Gian nan đường kiểm tra cột mốc
Tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có chiều dài hơn 231 km với 474 cột mốc. Đa phần các mốc quốc giới đều nằm ở những địa bàn có địa hình hiểm trở, đường đi lại khó khăn. Thời gian qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng một số đường bê tông lên kiểm tra cột mốc song do nguồn lực có hạn nên kết quả vẫn còn hạn chế.
Những cung đường lên kiểm tra cột mốc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bao năm qua đã ghi dấu những bước chân thầm lặng, sự vất vả và cả những hy sinh của người lính biên phòng trong quá trình tuần tra, bảo vệ biên giới.
Lặng thầm những hy sinh
Nói tới hệ thống đường kiểm tra cột mốc trên địa bàn tỉnh không thể không nhắc đến đường lên mốc 971 – cột mốc nằm trên một dãy núi ở khu vực Lũng Dinh, thuộc thôn Nà Nưa, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định với độ cao khoảng 800 m so với mực nước biển.
Không chỉ là một trong những đường nhánh lên cột mốc khó đi nhất mà tuyến đường này còn gắn liền với sự hy sinh của một chiến sỹ biên phòng. Đó là đại úy Lương Văn Sóng, nhân viên Đồn Biên phòng Pò Mã. Anh Sóng sinh năm 1969, quê ở xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng, hy sinh ngày 11/8/2012 khi đang cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới khu vực mốc 971.
Đã nhiều năm trôi qua, song ký ức về đại úy Lương Văn Sóng và những buổi tuần tra biên giới dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí đồng đội. Thiếu tá Nguyễn Sinh Cường – hiện là Trợ lý tác chiến, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh – một trong những chiến sỹ từng công tác cùng đại úy Sóng tại Đồn Biên phòng Pò Mã kể lại: Tôi quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2011 tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân 1, tôi về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Pò Mã. Địa bàn đồn quản lý có 50 mốc quốc giới mà hầu hết ở nơi có địa hình phức tạp, hiểm trở; khi ấy, đường lên cột mốc đều là đường mòn nhỏ hẹp, thậm chí chỉ là lối đi xuyên rừng hoặc men theo những những sườn đồi, vách núi cheo leo, cán bộ chiến sỹ đi tuần rất vất vả.
Theo chia sẻ của thiếu tá Cường, thời điểm anh về nhận công tác tại Đồn Pò Mã, đại úy Lương Văn Sóng đang là nhân viên quân y của đồn. Anh Sóng thật thà, tốt tính nên anh em trong đơn vị và bà con dân bản đều quý mến.
Thiếu tá Nguyễn Sinh Cường nhớ như in buổi sáng ngày 11/8/2012 khi anh cùng đại úy Lương Văn Sóng và một số cán bộ chiến sỹ trong đơn vị thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc: Hôm ấy là thứ bảy, theo phân công của chỉ huy đồn, chúng tôi cùng dân quân địa phương lên đường làm nhiệm vụ. Khu vực chúng tôi tuần tra là vùng núi đá cheo leo, địa hình hiểm trở, ngày hôm trước, ở đấy có mưa to nên đường trơn trượt, việc đi lại hết sức khó khăn. Trong đội hình tuần tra hôm ấy, anh Sóng là người đi sau cùng. Khi còn cách mốc 971 chừng 600 m, trong lúc vượt qua một thác đá cao, anh bị trượt chân rơi xuống, chấn thương nặng và sau đó hy sinh… Sự ra đi đột ngột của anh là mất mát to lớn đối với gia đình, người thân và đơn vị, song cũng chính sự hy sinh đó nhắc nhở chúng tôi luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, vững bước trên con đường tuần tra, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Anh Sóng ra đi để lại người vợ trẻ và 2 con nhỏ. Giờ đây, cháu lớn đã là sinh viên đại học còn cháu bé đang học cấp 3. Chị Chu Thị Vân – vợ liệt sỹ Lương Văn Sóng, hiện đang sinh sống ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng kể rằng thời điểm anh công tác ở Đồn Biên phòng Pò Mã, phần vì công việc bận rộn, phần vì đường sá đi lại khó khăn nên có khi hàng tháng, anh mới tranh thủ về thăm nhà một lần rồi lại vội vàng trở lên đơn vị. Ở nhà, chị luôn tự động viên mình cố gắng nuôi dạy các con thật tốt để anh yên tâm công tác. Từ nhỏ đã sống xa bố, lớn lên lại thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố song hai cô con gái của anh chị luôn tự hào vì có người cha là chiến sỹ biên phòng.
“Sau khi anh mất, tôi có 2 lần được lên đơn vị nơi anh từng công tác, đặt chân đến một số tuyến đường kiểm tra cột mốc, tôi càng hiểu thêm những gian nan mà chồng mình cùng đồng đội từng trải qua và chỉ mong sao sẽ có thêm nhiều tuyến đường lên cột mốc được xây dựng kiên cố để cán bộ chiến sỹ biên phòng đi tuần tra đỡ vất vả.” – Chị Vân bày tỏ.
Theo bước chân tuần tra
Câu chuyện về sự hy sinh của đại úy Lương Văn Sóng đã thôi thúc chúng tôi lên với mảnh đất biên giới Tràng Định để đến thăm mốc 971. Cùng chúng tôi đi trên con đường mà năm xưa đại úy Sóng và đồng đội đã từng đi, trung tá Triệu Trung Kiên – cán bộ Đồn Biên phòng Pò Mã chia sẻ: Đoạn đường biên giới dài hơn 21 km do Đồn quản lý có 50 cột mốc thuộc địa bàn 2 xã Quốc Khánh và Đội Cấn, huyện Tràng Định. Thời gian qua, đã có một số đường lên cột mốc được xây dựng kiên cố giúp cán bộ chiến sỹ thuận lợi hơn trong quá trình tuần tra bảo vệ biên giới. Tuy nhiên, nhiều cột mốc như mốc 971 này, đường đi lại vẫn còn rất gian nan, nhất là vào những hôm trời mưa hoặc gió rét, sương mù.
Từ Trạm Biên phòng Nà Nưa thuộc Đồn Biên phòng Pò Mã đi khoảng 300 m qua nương ngô, chúng tôi bắt đầu “hành trình” hơn 2 km lên mốc 971 trên con đường mòn, men theo sườn núi với hàng chục đoạn dốc cao, lởm chởm đá tai mèo. Trên tuyến này có những vị trí, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Pò Mã phải vẽ mũi tên, đánh dấu lên vách đá để dẫn đường, chỉ hướng. Dọc đường lên cột mốc, đôi lúc cả đoàn bỗng im phăng phắc, bởi ai nấy đều tập trung cao độ để vượt qua những con dốc dựng đứng, những mỏm đá phủ rêu trơn trượt. Có những đoạn đường hẹp qua khe núi, chúng tôi như nín thở, rón rén nhích từng bước chân bởi chỉ một chút sơ sểnh là có thể ngã nhào.
Sau gần 1 giờ đồng hồ băng rừng, vượt núi, chúng tôi đặt chân đến mốc 971. Giữa khung cảnh hoang sơ nơi biên cương của Tổ quốc, nghi thức chào cột mốc – chủ quyền quốc gia được thực hiện trang nghiêm. Giây phút ấy, mỗi chúng tôi đều cảm thấy xúc động, tự hào và càng thêm cảm phục những người lính mang quân hàm xanh đã và đang ngày đêm canh giữ đất trời biên giới như giữ gìn một phần máu thịt của quê hương.
Nếu như ở địa bàn Tràng Định, đường biên giới trải dài trên khu vực núi đá, xen kẹp với núi đất hiểm trở thì tại các huyện như Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập…, tuyến đường biên phần lớn chạy qua khu vực đồi núi đất với độ dốc cao. Chính vì thế, những cung đường tuần tra của người lính biên phòng nơi đây cũng không kém phần gian nan, vất vả. Trong chuyến tác nghiệp ở địa bàn xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, chúng tôi đã có trải nghiệm đáng nhớ trên những cung đường như thế – đó là đường lên mốc 1211.
Quãng đường từ Đồn Biên phòng Ba Sơn lên mốc 1211 dài gần 20 km, trong đó, toàn bộ khoảng 4,5 km từ đập Ba Sơn đến chân đường nhánh lên kiểm tra cột mốc là đường đất với hàng chục con dốc cao và những khúc cua tay áo; có những đoạn một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, nếu lạc tay lái là cả người và xe có thể lao ngay xuống vực. Suốt quãng đường, trong làn sương se lạnh mà chúng tôi ai nấy đều vã mồ hôi bởi phải liên tục gồng tay lái vượt qua những cung đường “hiểm”.
Trung tá Hoàng Trung Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Sơn – người đồng hành với chúng tôi lên mốc 1211 kể rằng trong 4 năm công tác tại đồn, anh cùng đồng đội đã thực hiện hàng trăm chuyến tuần tra bảo vệ biên giới, dù thuộc từng khúc cua, từng đoạn dốc trên những cung đường này mà vẫn không tránh khỏi những lần bị trượt ngã hoặc phải xuống xe dắt bộ giữa đường rừng.
Mốc 1211 nằm trên dãy núi Mẫu Sơn, ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển. Đoạn đường nhánh từ đường phục vụ tuần tra biên giới lên cột mốc này dài gần 500 m là một lối mòn dựng đứng theo sườn núi. Trung tá Hiếu đi trước dẫn đường, thi thoảng lại dừng chân, hỗ trợ anh em trong đoàn leo dốc. Nhìn theo những bước chân chắc nịch của anh, bất giác chúng tôi nhớ tới những ca từ trong bài hát Hành khúc biên phòng: “Núi rừng biên cương bao dốc đèo mà chân ta đã leo/Chớp giật mưa quăng có sá gì mà chân ta vẫn cứ đi…”
Khi chúng tôi đặt chân lên đến mốc 1211, trời đã vào ban trưa. Trên đỉnh cao lộng gió, trung tá Hoàng Trung Hiếu trải lòng: Đồn quản lý đoạn biên giới dài hơn 41 km với 57 cột mốc. Tuyến đường lên mốc 1211 một trong những tuyến dài và khó đi nhất trong hệ thống đường kiểm tra cột mốc của lực lượng biên phòng Lạng Sơn. Ngoài tuyến đường này, địa bàn đồn quản lý vẫn còn khá nhiều đường lên cột mốc mà xe máy không thể đi được, nhiều tuyến chỉ là đường mòn, lối đi xuyên rừng hoặc men theo sườn núi. Địa hình hiểm trở, đường đi lại khó khăn, thế nhưng dù nắng hay mưa, dù ngày hay đêm, chúng tôi luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Đường biên giới thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn trải dài từ Đông sang Tây qua 5 huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng và Tràng Định. Toàn bộ tuyến đường biên đều nằm ở vị trí núi đất xen kẽ với núi đá có độ cao trung bình từ 200 m đến 1.300 m so với mực nước biển. Mốc 971 và mốc 1211 chỉ là hai trong số hàng trăm cột mốc được đặt ở vị trí có địa hình hiểm trở, đường đi lại khó khăn như vậy. Trên những con đường ấy, bao năm qua, những người lính biên phòng vẫn miệt mài tuần tra, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn, trong tổng số 474 cột mốc trên địa bàn tỉnh, có 459 cột mốc cần được xây dựng đường kiểm tra bằng bê tông với tổng chiều dài gần 125 km. Do nguồn lực có hạn nên trước năm 2022, toàn tỉnh mới xây dựng được 34 đường lên cột mốc và từ năm 2022 đến tháng 11/2022, xây dựng thêm được 64 đường. |
Ý kiến ()