Thêm thử thách trong quan hệ EU - Mỹ
Tòa án công lý châu Âu vừa “bật đèn xanh” cho các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) có hành động pháp lý chống lại các tập đoàn công nghệ. Quyết định này được cho là giáng một đòn mạnh vào các “đại gia” công nghệ hàng đầu của Mỹ, có thể gây ra cuộc chiến pháp lý giữa hai bờ Ðại Tây Dương.
Phán quyết của Tòa án Công lý EU (CJEU) cho phép cơ quan giám sát của các nước thành viên EU trong một số điều kiện nhất định có quyền khởi tố hình sự đối với hành vi vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU.
Phán quyết của CJEU có thể mở đường cho các cơ quan giám sát bảo mật dữ liệu tại EU đưa ra hành động pháp lý chống lại các tập đoàn công nghệ của Mỹ như Google, Twitter và Apple có trụ sở tại EU. Quyết định này được đưa ra sau khi một tòa án của Bỉ kiến nghị việc Tập đoàn Facebook không chấp hành quyết định của cơ quan giám sát bảo mật dữ liệu của Bỉ cấm mạng xã hội này theo dõi người dùng ở nước sở tại.
Trước đó, EU và Mỹ hy vọng đạt được một thỏa thuận cho phép duy trì trao đổi dữ liệu riêng xuyên Ðại Tây Dương, thay thế thỏa thuận cũ đã bị tòa án EU bác bỏ. Các “gã khổng lồ” công nghệ lớn của Mỹ như Facebook, Google, Microsoft và nhiều công ty khác cũng mong chờ thỏa thuận để tránh rào cản pháp lý làm gián đoạn hoạt động trao đổi dữ liệu sau khi châu Âu áp dụng GDPR vào năm 2018.
Quy định mới trao cho người dùng nhiều quyền quyết định hơn với những dữ liệu cá nhân, trong khi các cơ quan quản lý cũng có thêm thẩm quyền để xử lý các công ty vi phạm, với mức phạt có thể lên tới 4% doanh thu toàn cầu của công ty trong một năm.
Ngoài ra, gần đây EU đã yêu cầu các hãng công nghệ lớn ngăn chặn thông tin giả mạo, cho phép giới chức tiếp cận dễ dàng hơn các thuật toán mà những công ty này sử dụng cũng như đẩy mạnh hoạt động kiểm chứng dữ liệu.
Ðây là một phần trong nỗ lực của EU nhằm củng cố bộ quy tắc ứng xử chống thông tin giả mạo được triển khai từ năm 2018, sau khi có thông tin cho rằng nhiều nền tảng công nghệ đã tiếp tay cho việc lan truyền tin giả làm ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cuộc bỏ phiếu về Brexit (Anh rời EU) năm 2016. Các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook, Twitter, Microsoft ký kết tham gia bộ quy tắc năm 2018, trong khi một số công ty khác trong lĩnh vực quảng cáo ký kết vào năm 2020.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và nhiều tin tức giả mạo về đại dịch lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội, Ủy ban châu Âu (EC) muốn các bên đã ký đưa ra thêm cam kết. Dù việc cam kết là tự nguyện nhưng áp lực buộc các công ty phải thực hiện những cam kết này là không nhỏ, trong bối cảnh EU đang chuẩn bị triển khai Ðạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA), cho phép các quốc gia áp các mức phạt với những công ty thiếu quyết liệt trong ngăn chặn tin giả.
Phó Chủ tịch EC V.Jourova kêu gọi liên minh thiết lập một bộ quy tắc ứng xử nghiêm ngặt và chi tiết hơn để “diệt tận gốc” mọi hoạt động trục lợi dựa trên các thông tin sai lệch. DSA yêu cầu các nền tảng gửi tin nhắn như WhatsApp của Facebook cùng cam kết ngăn chặn tin giả, cung cấp báo cáo thường kỳ về đánh giá hiệu quả các biện pháp đang áp dụng.
Các đề xuất này sẽ được EC đưa ra thảo luận cùng các bên ký kết tham gia bộ quy tắc ứng xử. Những đề xuất này nếu được đưa vào thực hiện từ đầu năm 2022 sẽ trao cho EU quyền hạn chưa từng có tiền lệ trong thiết lập cách thức các “đại gia” công nghệ hoạt động ở châu Âu.
Không chỉ siết chặt việc giám sát hoạt động của các tập đoàn công nghệ nước ngoài, EU còn mở các cuộc điều tra chống độc quyền về sử dụng dữ liệu người dùng trong thị trường quảng cáo trực tuyến và chèn ép đối thủ. Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh vừa tiến hành cuộc điều tra chống độc quyền đầu tiên nhằm vào Facebook – nhà cung cấp mạng xã hội số một thế giới và đang tiến hành các cuộc điều tra tương tự với Amazon và Apple. Trước đó, Alphabet – công ty chủ quản của Google – phải nộp phạt gần 10 tỷ USD.
Với những quy định pháp lý ngày càng rõ ràng và chặt chẽ hơn từ EU, có thể thấy quan hệ hai bờ Ðại Tây Dương trong lĩnh vực công nghệ đang gặp nhiều thử thách. Dự báo, nếu thiếu hợp tác và không tuân thủ các quy định của EU, các “gã khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ Mỹ có thể phải thay đổi mô hình kinh doanh và đối mặt với những khoản tiền phạt lớn.
Tại Hội nghị cấp cao EU – Mỹ vừa qua, hai bên đã nỗ lực hòa giải để đưa quan hệ sớm trở lại “trạng thái bình thường cũ”. Hy vọng rằng hành động pháp lý chống lại các tập đoàn công nghệ nêu trên của EU không cản trở tiến trình bình thường hóa mối quan hệ giữa hai bờ Ðại Tây Dương.
Ý kiến ()