Thêm thu nhập từ nghề mây tre đan
LSO-Về xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, thật dễ dàng khi hỏi thăm bà Dương Thị Huệ (sinh năm 1963). Vốn là một cô giáo về hưu, đến nay, bà còn được ví như “cánh chim đầu đàn” giúp các chị em quanh vùng có thu nhập ổn định nhờ nghề đan mây tre.
Sản phẩm đan lát của bà Dương Thị Huệ
Một ngày giữa tháng 3/2020, theo chân cán bộ xã Bắc Quỳnh, chúng tôi đến thăm gia đình bà Dương Thị Huệ ở thôn Đông Đằng. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào sân nhà là những bó guột, ruột mây (nguyên liệu để làm mây tre đan) đã được chất đầy; ở một góc sân, bà Huệ đang miệt mài làm việc dù đã quá trưa.
Đôi tay thoăn thoắt thao tác các bước để đan sản phẩm, bà Huệ chia sẻ: “Trước đây, tôi là giáo viên Trường THCS Quỳnh Sơn (nay là xã Bắc Quỳnh). Năm 2018, tôi nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi về hưu, thấy bản thân mình còn sức khỏe để làm việc nhưng lại không thể đi làm xa nên tôi luôn trăn trở tìm một nghề phụ để làm. Sau đó, con gái tôi đang làm việc ở Hà Nam giới thiệu làm công việc là đan thô sản phẩm mây tre đan cho Công ty TNHH Chang Yi; theo đó, công ty gửi nguyên liệu và lên tận nhà để hướng dẫn. Sau khi đan xong, tôi gửi hàng về công ty để lấy thù lao.”
Công việc nhẹ nhàng và không quá khó nên chỉ vài tháng sau bà Huệ đã thành thạo công việc, sau đó, công ty chỉ cần gửi nguyên liệu và mẫu qua ứng dụng Zalo là bà có thể làm được. Sau khi thành thạo tay nghề, nhận thấy trong thôn có nhiều chị em có thời gian nhàn rỗi nhưng không thể đi làm xa do còn lo cho gia đình, con cái, bà có ý tưởng nhận thêm nhiều nguyên liệu để hướng dẫn, chia sẻ các chị em khác cùng làm để có thêm thu nhập.
Bà Huệ cho biết: Đầu năm 2019, tôi bắt đầu nhận thêm nguyên liệu với công ty và hướng dẫn từng chị em có nhu cầu học nghề mây tre đan. Thời điểm nhiều nhất có đến gần 100 chị em trong thôn và các thôn lân cận nhận sản phẩm về làm. Trong đó, các sản phẩm chủ yếu mà chúng tôi nhận làm như: khuyên tai, thắt lưng, túi xách. Tiền công cũng tùy vào từng sản phẩm, ví như những sản phẩm nhỏ như: khuyên tai, thắt lưng là từ 1 – 10 nghìn đồng/sản phẩm; túi xách là 40 nghìn đồng/sản phẩm…
Công việc tận dụng được thời gian nhàn rỗi để làm nên phù hợp và được nhiều chị em hưởng ứng. Chị Dương Thị Hường, thôn Nội Hòa cho biết: Làm nông chỉ bận rộn những lúc mùa màng, thời gian nhàn rỗi cũng nhiều, tuy nhiên, tôi lại không thể đi làm xa, gần nhà thì không có việc làm. Từ lúc nhận đan sản phẩm mây tre với chị Huệ, trung bình mỗi tuần, tôi cũng có thu nhập từ 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng (tùy vào số lượng sản phẩm thực hiện). Điều quan trọng là công việc này nhẹ nhàng, lại có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi làm nên rất hợp với chị em ở nông thôn như chúng tôi.
Theo bà Huệ, nghề mây tre đan này không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì. Ngoài sự chịu khó cũng cần sự khéo léo của chị em, nếu đã biết đan thì những sản phẩm lần sau sẽ làm rất dễ, chỉ cần xem mẫu là làm được. Việc đan thô sản phẩm này yêu cầu cao về chất lượng, không chỉ đan đúng mà còn cần đan đẹp.
Hiện nay, trung bình mỗi tuần, bà Huệ nhận làm 2 – 3 nghìn sản phẩm để giao cho công ty. Theo đó, hằng tuần, công ty gửi mẫu và nguyên liệu một lần, sau đó, bà Huệ sẽ giao cho chị em nhận sản phẩm về nhà làm. Đối với các sản phẩm nhỏ như: khuyên tai, thắt lưng, trung bình mỗi tuần, chị em đan thô được gần 300 sản phẩm.
Bà Dương Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh cho biết: Hiện nay, mô hình mây tre đan do bà Dương Thị Huệ đứng ra làm đem lại hiệu quả rất tích cực. Đây là mô hình thích hợp với nhiều chị em ở nông thôn không có điều kiện đi làm xa có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi, từ đó giúp nhiều chị em có việc làm và tăng thu nhập.
Ý kiến ()