Thêm nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế
Theo đánh giá, trong quý II năm 2024 nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, cơ bản đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ trên các lĩnh vực. Cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Các kết quả nổi bật được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu trong bức tranh kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động có biện pháp can thiệp, bảo đảm cân đối hài hòa với điều hành lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
Đưa vốn “chảy” vào nền kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thu ngân sách nhà nước trong 4 tháng qua ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài sôi động, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo,… của Việt Nam. Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%; khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ và tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19). Đáng lưu ý, giải ngân đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn mức 15,65% của cùng kỳ năm 2023, có tác dụng đưa lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển. Diễn biến tích cực khác là hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Trong xu hướng phục hồi chung của các ngành kinh tế, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh đến sự phục hồi mạnh mẽ của động lực tăng trưởng xuất khẩu. Cơ quan này cho biết tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu và chiếm hơn 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Dự báo xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024, tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong Báo cáo cập nhật tháng 4/2024 cũng cho rằng nền kinh tế đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Cụ thể, xuất khẩu đang phục hồi, trong khi tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. “Xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong hai năm tới, dựa trên dự báo tăng trưởng nhẹ và nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc”, bà Dorsati Madani nói.
Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ: Cần thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nghiên cứu về mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững; giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới,…
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc hôm 13/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm đã lưu ý đến tình trạng khó khăn hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp. Ủy ban Kinh tế nhận định tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác của cả năm 2024, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô. Cụ thể là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thật sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; bảo đảm hệ thống tài chính ngân hàng an toàn, lành mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Đồng thời chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách thuế, phí, lệ phí… hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh.
Tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Các giải pháp quan trọng khác cũng được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, như tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp, phù hợp yêu cầu sử dụng vốn tín dụng. Đồng thời, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến,...
Cùng với giải pháp tiếp tục bơm vốn vào nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp ■
Ý kiến ()