Thêm nhiều đảng viên là người Khmer
Tỉnh ủy Sóc Trăng thường xuyên quan tâm công tác tạo nguồn phát triển Đảng, trong đó chú trọng các đối tượng là đoàn viên ưu tú, đoàn viên là người dân tộc Khmer... Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên Sóc Trăng nhiệt tình hưởng ứng lễ phát động góp đá xây Trường Sa. Tỉnh Sóc Trăng có gần 31% số dân là đồng bào Khmer. Những năm qua, bên cạnh việc chăm lo, nâng cao đời sống của đồng bào, công tác kết nạp đảng viên là người dân tộc Khmer luôn được các tổ chức đảng quan tâm, do đó số đảng viên là người Khmer ngày càng tăng. Cũng chính vì thế nhiều phong trào thi đua trong các thôn, xóm đông đồng bào Khmer phát triển sâu rộng nhờ có đảng viên làm nòng cốt.Sóc Trăng có 47 trong số 109 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer. Trước đây, nhiều xóm, ấp vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa có đảng viên. Năm 2002, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer. Theo...
Tỉnh ủy Sóc Trăng thường xuyên quan tâm công tác tạo nguồn phát triển Đảng, trong đó chú trọng các đối tượng là đoàn viên ưu tú, đoàn viên là người dân tộc Khmer… Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên Sóc Trăng nhiệt tình hưởng ứng lễ phát động góp đá xây Trường Sa. |
Sóc Trăng có 47 trong số 109 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer. Trước đây, nhiều xóm, ấp vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa có đảng viên. Năm 2002, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer. Theo đó, cùng với chăm lo phát triển kinh tế, các tổ chức đảng chú trọng tạo nguồn kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số. Nguồn phát triển đảng tập trung vào các đối tượng tiêu biểu trong các phong trào thi đua ở cơ sở như: nông dân thi đua sản xuất giỏi; phong trào phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà; đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng…
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (huyện Long Phú) Lê Thanh Phương, xã Tân Hưng có 62% số dân là đồng bào dân tộc Khmer. Năm 2005, Đảng bộ chỉ có 50 đảng viên là người Khmer, đến nay là 100 đồng chí, chiếm khoảng 60% số đảng viên toàn xã. Đảng viên người Khmer luôn phát huy tốt vai trò trong các hoạt động của địa phương, như cùng các tổ chức đoàn thể đến từng hộ gia đình Khmer, hướng dẫn cách sản xuất, giúp bà con phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Năm 2005, xã có 861 hộ nghèo, đến nay, con số đó chỉ còn 300 hộ.
Ở xã Long Phú (huyện Long Phú), công tác kết nạp đảng viên là người Khmer cũng có những kết quả đáng ghi nhận; toàn xã có 135 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm hơn 65% số đảng viên của đảng bộ.
Bí thư Huyện ủy Long Phú Thạch Phal cho biết, Đảng bộ huyện có hơn 340 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm hơn 16% số đảng viên toàn huyện. Năm 2011, Đảng bộ đã kết nạp hơn 100 đảng viên là người dân tộc Khmer. Cùng với các chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, phát triển kinh tế – xã hội, việc kết nạp đảng viên người dân tộc Khmer luôn được Huyện ủy quan tâm. Những đảng viên đó là lực lượng nòng cốt trong các phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Những năm gần đây, mỗi năm Sóc Trăng kết nạp thêm gần 300 đảng viên người dân tộc Khmer. Nếu như năm 1992, tỉnh chỉ kết nạp được 36 đảng viên là người Khmer, thì đến năm 2011 con số này là 288 đồng chí, nâng tổng số đảng viên người dân tộc Khmer lên 3.809 đồng chí, chiếm tỷ lệ gần 13% tổng số đảng viên trong tỉnh. Đảng viên người Khmer đã thể hiện tốt vai trò tiền phong gương mẫu trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách tại địa phương; nêu cao trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới. Họ cũng là nguồn cán bộ của địa phương. Toàn tỉnh có 319 đảng viên người dân tộc Khmer tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015, trong đó chín đồng chí tham gia cấp ủy cấp tỉnh, 40 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện và có 270 đồng chí cấp xã.
Tuy nhiên, khó khăn nhất trong công tác kết nạp đảng viên là đồng bào dân tộc Khmer là thiếu nguồn. Cuộc sống ở nhiều vùng nông thôn Sóc Trăng còn khó khăn, cho nên nhiều thanh niên có điều kiện bồi dưỡng kết nạp Đảng thì lo đi làm ăn xa; trình độ học vấn của phần lớn thanh niên ở địa phương còn hạn chế. Có nơi, cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đối với công tác kết nạp đảng viên; nhiều chi bộ mới thành lập còn lúng túng trong phương pháp lãnh đạo, chưa đề ra được kế hoạch cụ thể trong sinh hoạt đối với công tác kết nạp đảng viên…
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng Cao Kháng Chiến cho biết, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng chú trọng đến những nơi chưa có đảng viên người Khmer, cùng cơ sở bàn bạc đưa ra biện pháp chọn đối tượng cụ thể, tạo nguồn kết nạp đảng viên. Các cấp ủy đảng quan tâm củng cố, kiện toàn các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, thu hút đoàn viên, thanh niên nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, từ đó tạo nguồn kết nạp đảng viên. Hằng năm, xem công tác kết nạp đảng viên người dân tộc thiểu số là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Các chi bộ ưu tiên đưa vào bồi dưỡng tạo nguồn đối với những đối tượng tiêu biểu trong các tổ chức hội, đoàn thể để xem xét kết nạp Đảng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()