Thêm nhiều cơ hội cho lao động nông thôn
LSO-Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 (Đề án 1956) là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Sau 5 năm thực hiện đã cho thấy hiệu quả tại các địa phương, trong đó có tỉnh Lạng Sơn.
Người lao động tìm thông tin việc làm tại Hội chợ việc làm tỉnh |
NÂNG CAO NHẬN THỨC
“Trước đây người dân phải cuốc bộ hàng cây số để ra tận thành phố, thị trấn để sửa xe máy, máy cày… Không có tiền thì những phương tiện đó có khi đắp chiếu cả tháng trời mới mang đi sửa, chi phí sửa chữa lại đội lên. Qua một lớp học sửa xe máy, người biết nhiều, đủ tay nghề, có đủ vốn thì mở hiệu sửa chữa, người tiếp thu ít thì cũng biết sửa chữa lặt vặt. Kiến thức tiếp thu được là đấy, nâng cao dân trí là đấy chứ đâu…” – Bà Nguyễn Thị Phương Liên – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Sơn bắt đầu câu chuyện giản dị như thế khi được hỏi về việc triển khai, thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn huyện.
Còn đối với ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Công đoàn thì “lâu nay, người ta vẫn có thói quen phụ thuộc vào số liệu để đánh giá hiệu quả một chương trình, một đề án. Nhưng với Đề án 1956, có những cái được rất lớn mà không thể cân đo, đong đếm, không thể đánh giá được bằng tiền”. Thực tế, đó là những kiến thức, là kinh nghiệm mà người dân thu thập được, biết được qua những lớp học nghề.
Trong thời gian qua, đến các huyện, các xã trong tỉnh đều dễ bắt gặp người nông dân nuôi lợn có thể tự mua thuốc về tiêm phòng cho đàn gia súc của mình “rành” như cán bộ thú y, hoặc xây chuồng trại cho gia súc, gia cầm thay vì thả rông; những luống hoa ly được trồng thẳng tắp, bao bọc bằng nhà nilon để tránh rét; những món ăn ngon được chế biến bằng nguyên liệu sẵn có ở vùng quê nhưng bắt mắt, đủ chất dinh dưỡng; những chiếc xe máy, máy cày, máy bừa đã được sửa tại nhà giúp người nông dân tiết kiệm thời gian, kinh phí sửa chữa… Đó là tất cả những chuyển biến tích cực của LĐNT sau khi học nghề. Nếu như trước đó họ đều làm bằng kinh nghiệm, được – mất đều phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh thì đến nay yếu tố con người đã chi phối đến thành quả lao động.
NÂNG CAO THU NHẬP
Sau 5 năm thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn, ông Lê Quang Hồng, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB&XH tỉnh nhận định: chúng ta cần thay đổi nhận thức đánh giá về hiệu quả của công tác dạy nghề đối với người dân vùng đồng bào miền núi. Họ đã được học các nghề gắn với nhu cầu thiết yếu hằng ngày và áp dụng những gì đã học vào cuộc sống hiệu quả. Người dân ở đây đa số còn nghèo, không phải cứ học nghề là có thể mở tiệm, nhưng với họ, kiến thức đủ để phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, sửa chiếc xe máy, máy cày, có tay nghề để làm thợ ở các khu công nghiệp… lại vô cùng cần thiết.
Chỉ tính riêng năm 2014, đã có 6.600 LĐNT được học nghề, đạt 102% kế hoạch năm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 41,2%, tăng 2,2% so với năm 2013. Số LĐNT tự tạo việc làm sau học nghề là 4.700 người, cao hơn so với năm 2013 là 797 người. Theo khảo sát của ngành LĐTB&XH tỉnh, có trên 70% học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong đó, nhiều học viên đã có thu nhập ổn định sau học nghề, tiêu biểu như: anh Cao Văn Bình, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng học nghề kỹ thuật chăm sóc na, cho thu nhập 15 triệu đồng/ tháng; chị Hoàng Thị Hiền, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn học kỹ thuật trồng cây thuốc lá, cho thu nhập 10 triệu đồng/tháng; anh Cung Văn Hữu, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình mở hiệu sửa chữa xe máy cho thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng…
Đào tạo nghề may cho lao động nông thôn |
MỤC TIÊU GIAI ĐOẠN MỚI
Trong 5 năm (từ 2010 – 2014), Lạng Sơn đào tạo nghề cho trên 35.100 lao động, trong đó đào tạo nghề cho LĐNT trên 25.300 người, đạt 51,7% mục tiêu đề án. Theo đó, kế hoạch năm 2015, tỉnh dự định tăng 1 cơ sở dạy nghề trên địa bàn, tuyển mới dạy nghề 8.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43,4%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 35,2%, tăng 2,2% so với năm 2014. Trong 5 năm tiếp theo (2015 -2020), tỉnh tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng lao động, tuyển sinh và đào tạo nghề cho khoảng 45.000 người.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Nông Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 tỉnh, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho rằng: thời gian tới ban chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền lồng ghép về Đề án 1956; tăng cường tuyển sinh, giới thiệu, tư vấn việc làm miễn phí cho học viên; tập trung chỉ đạo, lựa chọn, nhân rộng các mô hình dạy nghề trên địa bàn; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
THANH HÒA
Ý kiến ()