Thêm nguồn lực để các trường đảm bảo chất lượng
Ngành GD&ĐT Cao Lộc tập huấn phương pháp “Bàn tay nặn bột” theo chương trình SEQAP |
Thực tiễn ở các trường tiếp nhận chương trình
Là một trường khu vực biên giới có trường chính với 3 điểm trường, năm học 2010-2011, Trường Tiểu học xã Xuất Lễ (Cao Lộc) bắt đầu thực hiện học 2 buổi/ngày với nhiều khó khăn, học sinh ở các thôn bản xa với 4 lần đi về trong ngày ảnh hưởng đến sức khỏe; việc ăn ở bán trú trong ngày tại trường cũng gặp không ít trở ngại do cơ sở vật chất của nhà trường và nhất là nhiều hộ dân còn ở mức nghèo chưa thể đảm bảo việc đóng góp ăn nghỉ trong ngày cho con em mình. Tuy vậy, nhà trường vẫn cố gắng duy trì học tăng thời lượng để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Năm 2011-2012, tiếp nhận chương trình SEQAP, nhà trường có điều kiện hơn trong tổ chức học 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hoàng Văn Diệu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: chương trình hỗ trợ 2 bữa ăn/tuần cho 35% tổng số học sinh là con hộ nghèo đã tạo điều kiện cho nhà trường huy động thêm sự đóng góp của phụ huynh để tổ chức bữa ăn cho các cháu. Cái được lớn nhất là việc tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ. Với chương trình SEQAP, đội ngũ giáo viên đã được nâng cao về nhiều mặt, từ công tác tổ chức lớp học 2 buổi/ngày đến đổi mới phương pháp dạy học. Tuy vậy về cơ sở vật chất phục vụ cho 2 buổi/ngày nhà trường vẫn thiếu như bếp ăn, dụng cụ cấp dưỡng, nơi ăn, nghỉ cho học sinh, nhà vệ sinh… vẫn chưa được chương trình đáp ứng. Khác với Trường Tiểu học Xuất Lễ, Trường Tiểu học xã Yên Trạch tiếp nhận chương trình SEQAP từ năm học 2013-2014 và chương trình đã có tác động rất rõ rệt. Số học sinh được hỗ trợ 2 bữa ăn trưa/tuần là 152/389 em (phân trường Yên Sơn có 32 học sinh được thụ hưởng). Từ chương trình SEQAP, nhà trường vận động phụ huynh học sinh đóng góp gạo, củi, tiền mua thức ăn, mua sắm trang thiết bị cấp dưỡng để nấu ăn cho học sinh; đóng góp tiền mua sắm đệm, chăn cho học sinh nghỉ trưa. Cô giáo Trần Thị Yến nói rằng: SEQAP “về trường” đã góp thêm nguồn lực để nhà trường chấm dứt tình trạng trong cặp học sinh lỉnh kỉnh cơm nắm, thức ăn lẫn với sách vở. Về hạ tầng, nhà trường đã được xây dựng nhà đa năng, phòng chức năng và nhà vệ sinh cho trường chính, nhà vệ sinh cho phân trường, tạo điều kiện để nhà trường thực hiện tốt phòng trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Nguồn lực tăng cường chất lượng giáo dục
Tiếp nhận chương trình SEQAP từ năm học 2010-2011 với 9 trường đầu tiên, đến năm học 2014-2015, Lạng Sơn đã có 40 trường thực hiện chương trình SEQAP với 146 điểm trường, 461 lớp. Trong tổng số 10.127 học sinh tiểu học của chương trình, có 9.227 học sinh người dân tộc; số học sinh được hỗ trợ ăn trưa 2 bữa/tuần là 5.513 em. Trong 4 năm qua, tổng số tiền được cấp từ SEQAP là 80.498 triệu đồng, trong đó có 7.426 triệu đồng vốn đối ứng của tỉnh. Chương trình đã hỗ trợ xây dựng 76 phòng học, 6 nhà đa năng, 61 nhà vệ sinh với tổng số vốn 41.650 triệu đồng; mua sắm trang thiết bị hàng hóa cho các nhà trường là 2.841 triệu đồng; đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo cho giáo viên và quản lý là 12.350 triệu đồng; quỹ giáo dục 5.479 triệu đồng, quỹ phúc lợi học sinh 12.866 triệu đồng… Lạng Sơn đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học-chống mù chữ từ năm 1998; năm học 2010-2011 đã có 247/270 trường tiểu học tổ chức học nhiều hơn 5 buổi/tuần. Tuy vậy, vẫn còn đáng kể số trường vùng khó khăn chưa tổ chức được 2 buổi/ngày hoặc có tổ chức song gặp nhiều khó khăn trong tổ chức ăn trưa cho các em. Việc tiếp nhận SEQAP chính là tạo “cú hích” cho các trường vùng khó khăn tổ chức ăn trưa và thực hiện dạy tăng thời lượng (6-8 buổi/tuần hoặc 9-10 buổi/tuần).
Ông Nguyễn Văn An, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học- Sở GD&ĐT cho biết: tuy chương trình sẽ kết thúc vào cuối năm 2016 song những gì mà giáo dục tiểu học Lạng Sơn có được nhờ chương trình là rất quý. Nó không chỉ tăng thêm nguồn lực cho công tác giáo dục tiểu học mà quan trọng hơn còn góp phần cho ngành GD&ĐT Lạng Sơn đưa sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến với học sinh dân tộc, học sinh vùng khó khăn, tạo cơ hội và sự bình đẳng cho mọi đối tượng xã hội.
Ý kiến ()