Các nạn nhân đều là người dân tại bản Nậm Há, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ. Theo xác nhận của ông Lò Văn Xương, Phó Chủ tịch UBND xã này, cả năm nạn nhân đi cấy và đều ở tại lán nướng, do bất ngờ bị cả quả đồi sạt xuống vùi lấp, mất tích.
Hiện tại, lực lượng cứu hộ các cấp đã tiếp cận hiện trường vụ việc, tuy nhiên, khu vực này đang có mưa lớn khiến việc cứu hộ rất khó khăn.
Như vậy, tính đến hết ngày 24-6, thống kê cho thấy, toàn tỉnh Lai Châu đã có 11 người chết và mất tích, năm người bị thương do mưa lũ. Ngoài ra, tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Tam Đường, mưa lũ cũng gây ngập úng cục bộ hơn 200 ha lúa; vùi lấp, cuốn trôi hơn 100 ha ngô, hoa màu và hơn 7 ha ao cá; hơn 20 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng. Hầu hết các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và liên bản, liên xã bị sạt lở, với khối lượng đất đá tạm thống kê là hơn 500 nghìn m3.
Mưa lũ phá tan khu nuôi cá nước lạnh của một trang trại ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường khiến chủ trang trại mất tích. Ảnh: CTV
Hiện, giao thông trên tất cả các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ tại Lai Châu hoàn toàn tê liệt. Toàn bộ các hướng đến Lai Châu đều tắc do sạt lở và đứt đường.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang huy động mọi lực lượng để tổ chức tìm kiếm người mất tích; chỉ đạo các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, di dời khẩn cấp đối với các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét. Đồng thời, tổ chức khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra…
Một thông tin khác từ lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, đến cuối giờ ngày hôm qua, 24-6, trên địa bàn toàn tỉnh còn chín trên 15 điểm thi còn thí sinh chưa đến làm thủ tục thi. Đến 7 giờ 30 phút sáng nay, 25-6, tại huyện Tân Uyên vẫn còn năm thí sinh chưa đến được điểm thi để làm thủ tục thi.
Ý kiến ()