Tình hình an ninh và xã hội Áp-ga-ni-xtan lại có thêm sự nóng bỏng mới, khoét sâu sự bất bình của Chính phủ và nhân dân nước này đối với lực lượng chiếm đóng. Hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối quân NATO diễn ra tại Thủ đô Ca-bun và các căn cứ quân sự của NATO và Mỹ. Quân chiếm đóng lại phạm một sai lầm được cho là "ngớ ngẩn".Nguyên nhân trực tiếp làm bùng phát làn sóng phẫn nộ của nhân dân Áp-ga-ni-xtan lần này là, trong khi hủy các tài liệu chuẩn bị cho cuộc rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan, các binh sĩ Mỹ và NATO tại căn cứ Ba-gram đã đốt nhiều cuốn Kinh Cô-ran của người Hồi giáo. Ngay lập tức, hơn hai nghìn người dân địa phương đã kéo tới biểu tình phản đối bên ngoài căn cứ Ba-gram. Họ la hét giận dữ đốt cổng, ném bom xăng và gạch đá vào căn cứ quân sự này. Xung đột bùng phát và làm ít nhất bảy người bị thương. Hàng trăm người khác biểu tình phản đối tại các căn cứ quân sự lớn của NATO ở ngoại ô Ca-bun. Tổng thống...
Tình hình an ninh và xã hội Áp-ga-ni-xtan lại có thêm sự nóng bỏng mới, khoét sâu sự bất bình của Chính phủ và nhân dân nước này đối với lực lượng chiếm đóng. Hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối quân NATO diễn ra tại Thủ đô Ca-bun và các căn cứ quân sự của NATO và Mỹ. Quân chiếm đóng lại phạm một sai lầm được cho là “ngớ ngẩn”.
Nguyên nhân trực tiếp làm bùng phát làn sóng phẫn nộ của nhân dân Áp-ga-ni-xtan lần này là, trong khi hủy các tài liệu chuẩn bị cho cuộc rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan, các binh sĩ Mỹ và NATO tại căn cứ Ba-gram đã đốt nhiều cuốn Kinh Cô-ran của người Hồi giáo. Ngay lập tức, hơn hai nghìn người dân địa phương đã kéo tới biểu tình phản đối bên ngoài căn cứ Ba-gram. Họ la hét giận dữ đốt cổng, ném bom xăng và gạch đá vào căn cứ quân sự này. Xung đột bùng phát và làm ít nhất bảy người bị thương. Hàng trăm người khác biểu tình phản đối tại các căn cứ quân sự lớn của NATO ở ngoại ô Ca-bun. Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai tuyên bố sẽ thành lập một nhóm điều tra vụ việc.
Việc làm này của quân chiếm đóng như đổ thêm dầu vào ngọn lửa bất bình đang bốc cháy của nhân dân nước sở tại do những vụ tàn sát thường dân Áp-ga-ni-xtan mà chỉ huy NATO phân trần là “do nhầm lẫn” trong chiến tranh. Mới nhất là vụ máy bay NATO bắn phá tỉnh Ca-pi-xa, làm tám trẻ em chết. Tháng trước, người dân Áp-ga-ni-xtan đã phẫn nộ trước việc bốn binh sĩ Mỹ đã giẫm đạp và tiểu tiện lên thi thể của một số phần tử Ta-li-ban. Theo số liệu thống kê của LHQ, số dân thường thiệt mạng tại Áp-ga-ni-xtan tăng liên tục trong năm năm qua, riêng năm 2011 đã có 3.021 nạn nhân. Trong đó, khoảng 14% số người chết do bom đạn của liên quân NATO.
Vụ việc quân Mỹ và NATO đốt kinh thánh của người Hồi giáo đã được các phương tiện truyền thông đưa tin cùng bức ảnh những cuốn Kinh Cô-ran bị cháy. Trước những bằng chứng “sống” đó, lãnh đạo quân Mỹ và NATO không bác bỏ hành vi “phạm đạo” của binh sĩ mình và ngay lập tức đưa ra lời xin lỗi chính phủ và nhân dân Áp-ga-ni-xtan, nhưng khó có thể thuyết phục người Hồi giáo. Ngày 21-2, những người phát ngôn Nhà trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ còn nói rằng, việc đốt Kinh Cô-ran là “một tai nạn”, “không phản ánh quan điểm của quân đội Mỹ”. Tư lệnh Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan Giôn A-len quả quyết, đó “không phải là hành động cố ý”.
Những lời phân trần cho “qua chuyện” của giới cầm quyền Mỹ về những hành xử của binh sĩ không làm nguôi cơn tức giận dồn nén từ chục năm nay của người dân Áp-ga-ni-xtan và cộng đồng Hồi giáo trên thế giới, trái lại càng thôi thúc cuộc đấu tranh đánh đuổi quân đội nước ngoài ra khỏi quốc gia Nam Á này. Bởi lẽ, ít ngày sau khi đưa đại quân xâm lược Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, chính nhà cầm quyền Mỹ đã “khoe” trước bàn dân thiên hạ rằng, trước khi đến hai chiến trường này, các tướng sĩ Mỹ đã được bồi dưỡng kiến thức về đạo Hồi, nhất là những phong tục, tập quán, cách hành xử và sinh hoạt của người Hồi giáo, cùng những điều cấm kỵ. Những năm qua, người ta đã chứng kiến những “trận chiến” tại Mỹ và một số nước phương Tây liên quan đạo Hồi. Như hồi tháng 4 năm ngoái, những cuộc biểu tình biến thành xung đột làm 10 người chết và 73 người bị thương ở Phlo-ri-đa phản đối mục sư Mỹ có tên là Te-ri Giôn đã đốt Kinh Cô-ran.
Dù lời lẽ mềm mỏng, tìm mọi cách để biện minh cho hành động sai lầm của mình vừa xảy ra tại Áp-ga-ni-xtan, liên quân cũng không thể nào “hạ nhiệt” được tình hình nóng bỏng mới. Ngược lại, càng khoét sâu sự bất bình của chính phủ và người dân nước này vốn từ lâu chĩa về phía họ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()