Thêm hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Trong ngày 25/2 đã diễn ra lễ trao bằng công nhận Lễ hội Trò Chiềng ở Thanh Hóa và Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì, Hà Nội) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Trò Chiềng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: VH&ĐS |
Ngày 25/2 (mùng 10 tháng Giêng), tại xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ trao bằng công nhận Lễ hội Trò Chiềng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Trò Chiềng ở làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định là trò diễn mang đậm yếu tố văn hóa cung đình, được dân gian hóa và được lưu giữ chốn thôn dã. Lễ hội phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, mơ ước của nhân dân, gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm và tên tuổi của Tướng quân Tam công Trịnh Quốc Bảo – người có công lớn trong việc dẹp giặc, gìn giữ non sông, tạo dựng và truyền dạy Trò Chiềng cho người dân xã Yên Ninh.
Với những ý nghĩa đó, Trò Chiềng đã nhiều lần được công diễn tại các lễ hội, sự kiện lớn của đất nước và tỉnh Thanh Hóa như: Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, lễ hội Lam Kinh, lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn, lễ hội du lịch biển Hải Tiến…
Sau hơn 60 năm thất truyền (từ năm 1946 đến 2007), Trò Chiềng đã được khôi phục với đầy đủ 12 trò diễn đặc sắc, trở thành một nét đẹp văn hóa được gìn giữ và tổ chức hằng năm.
Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba Vì được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Hà Nội Mới |
* Cũng trong sáng 25/2, tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), chính quyền huyện Ba Vì đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2018.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2018 diễn ra trong 3 ngày từ 23-25/2 với nhiều hoạt động như: Dâng hương tri ân tổ tiên, tổ chức các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao, tổ chức phiên chợ quê, giao lưu văn nghệ của nhân dân địa phương…
Lễ hội diễn ra bảo đảm đúng nghi thức truyền thống, trang trọng về nghi lễ, đa dạng và phong phú về phần hội, phát huy tối đa nội lực và các tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa của các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì.
Đặc biệt, tại lễ hội năm nay đã diễn ra lễ đón bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Hoạt động này được tổ chức đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của người dân Ba Vì nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đối với công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn. Đồng thời, đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá, xúc tiến phát triển và gắn kết các sản phẩm du lịch thế mạnh trên địa bàn huyện Ba Vì.
Quang cảnh lễ khai Hội xuân Yên Tử 2018. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
* Ngày 25/2, tại sân lễ trường Yên Tử thuộc Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai Hội xuân Yên Tử năm 2018. Lễ hội năm nay có quy mô lớn hơn mọi năm với phần lễ uy nghiêm, phần hội rộn ràng, màn sử thi được đầu tư kỹ lưỡng tái hiện cuộc đời tu hành của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Lễ hội này nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2018 do tỉnh Quảng Ninh đăng cai.
Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như chọi gà, trò chơi kéo co, ném còn, biểu diễn nghề thêu thủ công, các điệu múa truyền thống của người đồng bào dân tộc Dao Thanh Y tại Yên tử; biểu diễn nghệ thuật múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; Giải cờ tướng Yên tử; biểu diễn nghệ thuật tại địa điểm Cầu Thủy Đình, suối Giải Oan và các sân ga cáp treo; trưng bày hoa mai vàng Yên Tử…
Năm 2017 mùa Lễ hội xuân Yên Tử đã thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách đến tham quan và sinh hoạt tín ngưỡng. Năm nay với những thay đổi về cảnh quan và công tác tổ chức, tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng sẽ đón tiếp khoảng 2 triệu du khách đến với Yên Tử.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()