Thêm 30 triệu USD đầu tư vào Bình Dương
Ngày 24-6, Tập đoàn Kingtec Group (Đài Loan, Trung Quốc) đã thuê 16 ha đất tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (huyện Bến Cát, Bình Dương) của Tổng công ty Becamex IDC xây dựng nhà máy sản xuất các mặt hàng điện tử giai đoạn 1 đầu tư 30 triệu USD sản xuất các loại đèn led cao cấp, đèn để bàn, đèn treo tường các loại phục vụ xuất khẩu.
Tập đoàn Kingtec Group hoạt động trên nhiều lĩnh vực như thiết bị chiếu sáng, nội thất, máy phát điện, các thiết bị điện tử. Trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và của Bình Dương nói riêng, Tập đoàn đã chọn Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 làm địa điểm xây dựng.
TP Hồ Chí Minh gỡ khó cho ngành điện tử, dệt may
Ngày 24-6, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân dẫn đầu đoàn công tác, làm việc với một số doanh nghiệp ngành điện tử, dệt may trên địa bàn, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Lê Hoàng Quân cho biết, UBND thành phố sẽ làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, đồng thời kiến nghị Chính phủ một số cơ chế, chính sách thuận lợi phát triển lĩnh vực điện tử – vi tính.
Về phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, TP Hồ Chí Minh đồng ý và chấp thuận các kiến nghị của Công ty Indra Gandhi về những dự án đầu tư đang triển khai như dự án cụm công nghiệp hỗ trợ dệt may, di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, dự án nhà máy sợi mới,…
Khai trương góc nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Hà Nội
Ngày 24-6, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) kỷ niệm 5 năm thành lập, nhân dịp này khai trương “góc nhà đầu tư”, dành riêng cho nhà đầu tư tham quan và tìm hiểu về thị trường chứng khoán (TTCK), nâng cao nhận thức của công chúng đầu tư về chứng khoán và TTCK, qua đó gián tiếp bảo vệ các nhà đầu tư tham gia thị trường.
5 năm qua, HNX đã tổ chức tốt công tác đấu giá cổ phần một cách hiệu quả, góp phần hiện thực hóa chủ trương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu phát triển thị trường mới, phục vụ công tác vận hành thị trường và tham gia quá trình tái cấu trúc TTCK,…
Vận hành dây chuyền xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện
Ngày 24-6, tại Hải Dương, Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường đã vận hành dây chuyền xử lý tro xỉ (giai đoạn 1) vào sản xuất tại dự án nhà máy gạch nhẹ chưng áp AAC. Đây là dây chuyền xử lý đồng bộ, công suất 450 nghìn tấn tro xỉ/năm, trong đó sản xuất mỗi năm 375 nghìn tấn tro bay ẩm, 150 nghìn tấn tro bay khô và 75 nghìn tấn than qua tuyển. Việc công ty hoàn thiện thiết kế, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành dây chuyền này đặt dấu mốc quan trong trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn cho các nhà máy nhiệt điện chạy than trong nước. Các chất phế thải được tái chế thành sản phẩm có chất lượng cao, sử dụng làm phụ gia, nguyên liệu cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng như xi-măng, bê-tông đầm lăn, gạch nhẹ chưng áp AAC,…
TKV tiêu thụ gần 19 triệu tấn than
Ngày 24-6, Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, trong sáu tháng đầu năm, ước tính toàn Tập đoàn tiêu thụ đạt gần 19 triệu tấn than các loại, bằng 53,7% kế hoạch năm và bằng 101% so cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của TKV, đây là mức chỉ tiêu khá thuận lợi về tiêu thụ than trong sáu tháng qua.
Trong số này, có bốn triệu tấn than xuất khẩu, đạt 50% kế hoạch; tiêu thụ trong nước 14,9 triệu tấn, đạt 55% kế hoạch năm, tăng 18% so cùng kỳ.
Riêng than tiêu thụ trong nước tại các nhà máy điện đạt chín triệu tấn, tăng 25% so cùng kỳ. Trong thời gian tới, khi một loạt nhà máy nhiệt điện chạy than trong nước đi vào hoạt động, việc tiêu thụ than sẽ tiếp tục tăng cao. Vì vậy, TKV chỉ đạo các đơn vị thành viên sản xuất than chuẩn bị đầu tư, nâng cao sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước những năm tới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()