Thêm 3 trạm BOT chuyển sang thu phí tự động
Công ty cổ phần Tasco vừa chính thức bàn giao toàn bộ 3 trạm thu phí BOT gồm Tân Đệ, Quốc lộ 39 (Thái Bình) và Mỹ Lộc (Nam Định) cho đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động VETC.
Mỗi khách hàng sẽ được cấp miễn phí một thẻ E-Tag được dán lên kính trước hoặc đèn xe. |
Đây được coi là động thái mới nhất cho thấy sự tiến triển của dịch vụ thu phí tự động đường bộ vượt ra ngoài khuôn khổ của dự án thu phí không dừng tại 28 trạm trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14.
Trạm Tân Đệ và Mỹ Lộc triển khai làn thu phí tự động VETC ứng dụng công nghệ thu phí không dừng RFID từ tháng 10/2016. Đến nay, làn VETC tại mỗi trạm phục vụ hơn 70.000 lượt xe/1 tháng, trung bình mỗi ngày đạt gần 2.500 lượt xe, tỉ lệ tăng trưởng hằng tháng từ 5-20%. Tân Đệ và Mỹ Lộc là 2 trạm cửa ngõ của thành phố Thái Bình và Nam Định với lưu lượng xe lớn, do đó việc triển khai làn thu phí tự động tại 2 trạm này sẽ góp phần giải quyết nạn tắc đường tại đây vào những ngày cao điểm.
Trạm thu phí BOT Quốc lộ 39 là trạm mới đi vào hoạt động từ 1/1/2017 và ngay lập tức đã áp dụng lắp đặt làn thu phí tự động theo xu thế phát triển công nghệ giao thông thông minh hiện nay.
Ngày 15/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã kiểm tra hoạt động thu phí không dừng tại trạm Mỹ Lộc và Tân Đệ. Sau khi quan sát phương tiện ra vào trạm thu phí với hệ thống có tốc độ xử lý nhanh, lãnh đạo ngành giao thông đã yêu các đơn vị liên quan và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến trình lắp đặt, phát triển hệ thống thu phí tự động đường bộ trên toàn quốc. Đặc biệt, chú trọng khâu bảo mật của hệ thống vì liên quan việc thanh toán của người dân.
Trước đó, Bộ GTVT đã lên kế hoạch lắp đặt làn thu phí không dừng trên các tuyến đường toàn quốc trước năm 2020, song song với thu phí một dừng. Sau năm 2020 sẽ thu phí tự động hoàn toàn tại tất cả trạm, không còn làn thu phí một dừng như hiện nay.
Ông Vũ Quang Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, đầu năm 2017, đơn vị ra mắt website và ứng dụng di động để khách hàng dễ dàng quản lý tài khoản giao thông trên mạng. Ngoài ra, đơn vị đã mở chuỗi các điểm dịch vụ giúp khách hàng nạp tiền vào thẻ E-Tag, nạp tiền tích hợp vào dịch vụ ngân hàng điện tử, di động, cổng thanh toán Napas và ví điện tử Momo.
Đặc biệt, toàn bộ khách hàng, chủ đầu tư BOT, cơ quan quản lý Nhà nước đều có cổng thông tin riêng để tra cứu, quản lý, đối soát và hậu kiểm việc trả phí.
Theo công nghệ RFID, mỗi chip nhớ sẽ chứa một mã số mang thông tin về xe và chủ xe đang lưu thông. Khi xe đi qua trạm thu phí thì đầu đọc được bố trí xung quanh trạm sẽ đọc mã số này và máy tính sẽ so sánh với mã số đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu. Chương trình sẽ tự động đối chiếu thông tin về xe và kiểm tra tài khoản của chủ xe. Nếu thông tin hợp lệ và số tiền trong tài khoản đủ cho chuyến đi thì chương trình sẽ tự động trừ số tiền qua trạm tương ứng của xe. Như vậy xe qua trạm sẽ không cần mua và soát vé.
Mỗi khách hàng sẽ được cấp miễn phí một thẻ E-Tag và một tài khoản ETC để thu phí điện tử. Người sử dụng xe có thể nạp tiền vào tài khoản ETC từ các phòng giao dịch, dịch vụ ngân hàng điện tử. Thẻ E-Tag được dán lên kính trước hoặc đèn xe.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()