Thêm 2 loại vaccine phòng dại nhập về Việt Nam
Đây được coi là một trong các biện pháp khắc phục tình trạng thiếu vaccine phòng bệnh dại ở một số địa phương trong những tháng đầu năm 2018 và các tháng mùa hè tới.
Theo Cục Quản lý dược, ngay từ quý I/2018, nhu cầu tiêm phòng bệnh dại của người dân tăng cao, đặc biệt vào các tháng mùa hè, nên các đơn vị cung ứng không có đủ vaccine dự trữ.
Để khắc phục tình trạng này, Cục Quản lý dược cho biết, cuối tháng 5/2018, sẽ có thêm một vaccine phòng bệnh dại mới, được nhập khẩu về Việt Nam. Đó là vaccine phòng bệnh dại Indirap do Ấn Độ sản xuất. Một vaccine khác là Rabipur phòng bệnh dại cũng có khả năng được nhập về Việt Nam thời gian tới.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, nước ta có 2 loại vaccine phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là vaccine Verorab do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất và vaccine Abhayrab do Công ty Human Biologigical Institute, Ấn Độ sản xuất. Vaccine dại được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ do người dân tự chi trả.
Cả nước hiện có khoảng 700 điểm tiêm chủng có tiêm vaccine phòng bệnh dại. Hàng năm, trung bình có khoảng 400.000 – 500.000 người tiêm vaccine phòng dại.
Trước dự báo nhu cầu tiêm phòng dại gia tăng trong các tháng hè, Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người khuyến cáo các điểm tiêm phòng dại cần tăng cường sử dụng phác đồ tiêm trong da thay thế phác đồ tiêm bắp khi sử dụng vaccine dại, để tiết kiệm sử dụng vaccine, tăng số lượng người được tiêm.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng trên địa bàn cần có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù, ký hợp đồng, đấu thầu, để cung ứng vaccine đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo thống kê của ngành y tế, số người tử vong vì bệnh dại cả nước trong các năm 2016, 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 lần lượt là: 91 (tăng 17% so với năm 2015 và tăng 38% so với năm 2014); 62 và 18 người. Các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm phòng vaccine và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn, nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về việc phòng, chống bệnh dại.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh dại, tuy nhiên bệnh này có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()