Thế vận hội người khuyết tật- Paralympic Paris 2024: Đoàn Việt Nam quyết tâm đoạt thành tích cao nhất
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam gồm 14 thành viên tham dự Paralympic Paris 2024, trong đó có bốn cán bộ đoàn, ba huấn luyện viên và bảy vận động viên (VĐV) thi đấu ở ba môn: cử tạ, bơi lội và điền kinh.
Bảy VĐV bao gồm: Lê Văn Công (cử tạ), Nguyễn Bình An (cử tạ), Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ), Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Đỗ Thanh Hải (bơi), Lê Tiến Đạt (bơi), Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh) đều của Thành phố Hồ Chí Minh.
Để chuẩn bị cho kỳ Thế vận hội lần này, từ đầu năm 2024, các VĐV của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã được hưởng chế độ tập huấn cao nhất và tích cực tập luyện, hoàn thiện kỹ chiến thuật cùng ban huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Theo lịch thi đấu, hai VĐV bơi Đỗ Thanh Hải và Lê Tiến Đạt sẽ bắt đầu thi đấu từ chiều ngày 1/9; đội điền kinh và cử tạ thi đấu trong hai ngày 4 và 5/9.
Giống như hai kỳ đại hội gần đây, mục tiêu của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam là giành huy chương. Dựa theo thành tích ở các kỳ đại hội gần đây, VĐV cử tạ Lê Văn Công là niềm hy vọng lớn nhất. Dù đã 40 tuổi, bốn lần tham dự Paralympic, lực sĩ Lê Văn Công còn khá sung sức để “gánh” trọng trách đoạt huy chương ở nội dung cử tạ hạng 49 kg. Anh đã từng giành Huy chương vàng (HCV) Paralympic năm 2016 với thành tích 183 kg và Huy chương bạc (HCB) Paralympic 2020 với mức tạ 173 kg.
Trong khi đó, một đồng đội của anh là đô cử Nguyễn Bình An, nhà vô địch châu Á, Huy chương đồng (HCĐ) ASEAN Para Games 2023 sẽ thi đấu hạng 54 kg nam cũng có thể giành thành tích cao nhất nếu giữ được phong độ thi đấu tốt. Trên đường đua xanh, “kình ngư” Lê Tiến Đạt từng đoạt HCV nội dung 100m ếch nam hạng thương tật SB5 tại ASEAN Para Games 4 cũng được kỳ vọng có thể giành huy chương sau những thành tích tập luyện vừa qua.
Đã có hai triệu vé xem Paralympic Paris được bán
Sau thành công kỷ lục về số lượng vé bán ra của Olympic Paris 2024 với số lượng bán ra lên tới 9,535 triệu vé, khán giả đang rất mong chờ Paralympic Paris 2024 cũng đạt số lượng vé bán ra kỷ lục. Trước lễ khai mạc Thế vận hội người khuyết tật 2024 (rạng sáng ngày 29/8, theo giờ Việt Nam), hơn hai triệu vé đã được bán, trong đó có gần một triệu vé được bán từ khi Olympic Paris bắt đầu thi đấu ngày 24/7.
Được biết, có tới 92% số người mua vé hiện đang sinh sống, làm việc tại Pháp và khoảng 8% số người mua vé đến từ các nước. Cơ cấu khán giả mua vé cũng đa dạng với đại diện đến từ 144 quốc gia. Đã có ít nhất 75% số vé công cộng cho 20 môn thể thao đã được bán ra, trong đó có 11 môn thể thao đã bán được 90% số vé.
Pháp kỳ vọng vào thành tích đua xe đạp
Ra mắt lần đầu tại Paralympic năm 1984 với 22 VĐV tranh tài ở bảy nội dung, môn đua xe đạp dành cho người khuyết tật đã phát triển theo cấp số nhân trong 40 năm qua. Kỳ Paralympic lần này, có hơn 200 VĐV tranh tài ở 51 nội dung thi đấu, trong đó có 17 nội dung trên đường đua hạn chế và 34 nội dung trên đường trường. Tại kỳ Thế vận hội người khuyết tật 2020, đội tuyển đua xe đạp của Anh đã đứng đầu thành tích với 24 huy chương các loại. Xếp thứ hai là đội tuyển Pháp với 16 huy chương, đội Pháp đang hy vọng sẽ vượt qua Anh trên sân nhà ở kỳ thi đấu này.
Bóng bàn Trung Quốc gặp cạnh tranh lớn
Mọi sự quan tâm đang đổ dồn vào đội tuyển bóng bàn Trung Quốc ở kỳ Thế vận hội năm nay sau khi họ dẫn đầu môn bóng bàn ở Paralympic Tokyo 2020 với 16 HCV trong số 31 nội dung tranh huy chương. Các tay vợt của họ vào tới 11 trận chung kết đánh đơn và giành tám ngôi vô địch. VĐV Feng Panfeng đã giành được HCV Paralympic đơn thứ ba liên tiếp ở hạng 3 nam khi đó và đang đặt mục tiêu có HCV thứ tư tại Paralympic lần này.
Tay vợt Yan Shuo cũng hy vọng bảo vệ được HCV trong Paralympic năm nay cùng các VĐV bóng bàn xuất sắc khác là Zhang Bian và Pan Jiamin. Đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc là các tay vợt đến từ Australia, Ba Lan và đặc biệt là nước chủ nhà Pháp.
Ý kiến ()