Thế trận phòng không nhân dân trong khu vực phòng thủ
Bộ Quốc phòng đang từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, trong đó có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Phòng không nhân dân (PKND), tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng nói chung, về PKND nói riêng.
Điểm nổi bật là, thời gian qua, việc triển khai tổ chức hoạt động công tác PKND đã được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, toàn diện. Ban Chỉ đạo PKND từ Trung ương đến đơn vị, địa phương được thành lập theo đúng quy định của pháp luật, lực lượng kiêm nhiệm PKND do vận động toàn dân tham gia được tổ chức chặt chẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PKND trong khu vực phòng thủ. Công tác nghiên cứu về phương thức tác chiến phòng không của các nước trên thế giới hiện nay được quan tâm, đầu tư, góp phần quan trọng trong tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ những đối sách nhằm không ngừng nâng cao khả năng tác chiến của bộ đội Phòng không – Không quân nói chung, lực lượng PKND nói riêng. Bên cạnh đó, lực lượng Phòng không – Không quân, PKND luôn được đầu tư, trang bị một số khí tài mới đáp ứng khả năng tác chiến phòng không bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới. Việc nghiên cứu, xây dựng thế trận PKND rộng khắp trong khu vực phòng thủ là một nhiệm vụ cần thiết, nhằm tạo thế chủ động và bảo vệ đất nước.
Thời gian tới, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cần triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm: Xây dựng hệ thống đài quan sát, thông báo, báo động phòng không liên hoàn. Xây dựng hệ thống trận địa phòng tránh, đánh trả địch tiến công đường không; các trận địa phòng tránh trọng điểm PKND… Bổ sung nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo PKND để chỉ đạo, triển khai thực hiện; các địa phương kiện toàn tổ chức, bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo PKND của tỉnh, thành phố để làm đầu mối hiệp đồng.
Nâng cao chất lượng hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng PKND với các lực lượng trên cùng địa bàn tác chiến, trong đó nòng cốt là lực lượng Phòng không – Không quân của Quân chủng Phòng không – Không quân và các lực lượng bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng để trao đổi thông tin, nhận thông báo, báo động phòng không theo đúng quy trình đã được tập huấn, huấn luyện, kiên quyết không để sai, sót, lọt chậm, hoang báo mục tiêu.
Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng phòng không các quân khu, các tỉnh, thành phố nắm chắc số lượng câu lạc bộ hàng không, dịch vụ bay và cá nhân có sử dụng phương tiện bay không người lái trên địa bàn; tổ chức ký cam kết chỉ được khai thác sử dụng khi Bộ Tổng Tham mưu cấp phép bay; khi tổ chức hoạt động bay phải bay đúng phép được cấp, đúng khu vực, trần bay; trước và sau khi bay phải báo cáo cơ quan quân sự địa phương để thông báo cho những địa bàn có máy bay hoạt động nắm, quản lý, theo dõi. Phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng PKND trong quản lý, phát hiện, thông báo các hoạt động bay trên từng địa bàn với phương châm “phát hiện, ngăn chặn ngay từ mặt đất, khi chưa bay”. Chỉ đạo lực lượng phòng không địa phương tuyên truyền vận động toàn dân tham gia quản lý các hoạt động bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trên địa bàn.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đề tài khoa học nghệ thuật quân sự cấp Bộ Quốc phòng về “Nghiên cứu cách đánh máy bay không người lái của lực lượng Phòng không lục quân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”; tiếp tục nghiên cứu chỉ đạo các lực lượng Phòng không – Không quân toàn quân thực hiện nghiêm “4 biết” trong quản lý vùng trời “4 được” trong đánh địch đột nhập.
Triển khai xây dựng vị trí bảo đảm phục vụ công tác PKND trong căn cứ hậu phương, căn cứ chiến đấu của khu vực phòng thủ các cấp. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật về PKND theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ý kiến ()