Thế trận lòng dân ở biên giới Mường Lạn
Ðồn Biên phòng 453, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp (Sơn La) quản lý 20 cột mốc, với 50,8 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, là tuyến biên giới có địa bàn dài, rộng, khó khăn phức tạp nhất ở Sơn La. Trong nhiều năm qua, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, kết quả ấy có được trước hết là nhờ công tác tuyên truyền vận động quần chúng, biết dựa vào dân để bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.
Ðồn Biên phòng 453, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp (Sơn La) quản lý 20 cột mốc, với 50,8 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, là tuyến biên giới có địa bàn dài, rộng, khó khăn phức tạp nhất ở Sơn La. Trong nhiều năm qua, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, kết quả ấy có được trước hết là nhờ công tác tuyên truyền vận động quần chúng, biết dựa vào dân để bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.
Trung tá Ðồn trưởng Biên phòng 453 Trần Văn Thủy mở đầu câu chuyện với chúng tôi một cách tự nhiên:
– Cái tên Mường Lạn, ngay ở Sơn La nhiều người còn không biết, chưa từng đến, các anh đến được là quý lắm!
– Có người nói, mùa mưa ở đây “nội bất xuất, ngoại bất nhập” phải không anh? Một người trong đoàn hỏi. Chỉ lên tấm bản đồ, đồng chí Thủy cười, nói:
– Mưa gió, bất kỳ thời tiết nào, Bộ đội Biên phòng đều vượt qua. Nhưng các anh thấy đấy, đây là địa bàn khó khăn của vùng đặc biệt khó khăn, xa xôi nhất trong những vùng xa thì sẽ hiểu và chia sẻ với Mường Lạn.
Về xã biên giới Mường Lạn, những câu chuyện như thế càng cuốn hút chúng tôi, đặc biệt là kết quả công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng củng cố thế trận biên phòng toàn dân ở đây. Trung tá Ðồn phó Chính trị Hờ A Cho, người dân tộc Mông có thời gian 23 năm công tác ở biên giới cho biết: Xuất phát từ đặc điểm miền núi cao, địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên một số đối tượng xấu thường lôi kéo, gây mất trật tự an ninh biên giới. Ðầu những năm 1959, sau hòa bình lập lại, vùng này còn có bọn phỉ hoạt động, cho nên Ðồn Biên phòng 453 được thành lập, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Hơn 50 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng 453 luôn thấm nhuần tư tưởng, muốn bảo vệ vững chắc đường biên mốc giới trước hết phải có được niềm tin yêu của nhân dân, trước hết phải chăm lo đến việc học hành của các cháu, đời sống sản xuất của bà con nhân dân. Công việc không đơn giản chút nào, phải kiên trì, thực hiện tốt khẩu hiệu “ba bám, bốn cùng”. Chính trị viên Hờ A Cho giảng giải, phân tích kỹ từng ý, rằng: Bám dân, bám cán bộ, bám địa bàn và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào. Khi nào vào bản, các cháu nhỏ quý mình, người già muốn nói chuyện với mình là được. Chuyện to, chuyện nhỏ trong bản mình đều biết, cái nào đúng mình giúp đỡ, hỗ trợ, cái nào sai mình khuyên giải, phân tích nhẹ nhàng, như việc của bản thân mình, của nhà mình thì bà con mới nghe. Ở đây không mang văn bản ra đọc, theo kiểu mệnh lệnh phải thế này, phải thế kia là hỏng! Thí dụ, khi tuyên truyền thực hiện Nghị định 34/NÐ, Luật Biên giới quốc gia không mang từng điều khoản ra đọc, mà từ nội dung ấy, chia nhỏ thành việc cụ thể, nói cho bà con hiểu muốn đi thăm anh em, hoặc đi tìm trâu qua biên giới phải có giấy, xin phép Bộ đội Biên phòng, thấy người lạ thì báo cho biên phòng, cột mốc là biên giới quốc gia, nó như cái hàng rào của nhà mình, phải bảo vệ, v.v.
Xã Mường Lạn nằm ở góc cuối cùng phía Tây Bắc của tỉnh Sơn La, giáp với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Xã có 16 bản, trong đó có tám bản người Mông, còn lại là các bản của đồng bào dân tộc Khơ Mú và Lào, với khoảng 5.973 nhân khẩu, mật độ dân số hơn 24 người/km2. Do địa bàn rộng, tuyến biên giới lại dài (chiếm một phần năm toàn tuyến biên giới của tỉnh Sơn La) cho nên Ðồn Biên phòng 453 tổ chức thêm hai trạm biên phòng
Nà Vạc và Pu Hao. Từ khi có Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn, người dân ở đây yên tâm lao động sản xuất, không sợ kẻ xấu gây mất trật tự. Những năm gần đây, nhờ triển khai Chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ, nhiều dự án, công trình đường giao thông, nước sạch, thủy lợi, khai hoang ruộng nước, v.v. đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế của đồng bào. Cách đây 10 năm cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như: điện, đường, trường học, chợ, cơ sở chăm sóc sức khỏe nhân dân hầu như không có. Hiện nay đường ô-tô đã về tận trung tâm xã, tuyến đường biên giới đổ bê-tông đã đi qua một phần ba số bản trong xã; có chín trong số 16 bản có điện lưới quốc gia; 93% số trẻ đến trường đúng độ tuổi, trẻ mầm non được chăm sóc; tỷ lệ hộ nghèo từ 70 đến 80% nay chỉ còn 39%. Thành quả ấy có một phần công sức của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng 453 phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, trở thành cầu nối trong việc tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con nhân dân.
Ðến thăm bản Pu Hao của đồng bào dân tộc Mông, có 84 hộ với hơn 430 nhân khẩu, Trưởng bản Giàng Nhịa Dê cho biết: “Cách đây 10 năm, một số phần tử xấu sử dụng vũ khí, lôi kéo kích động bà con Pu Hao bỏ bản vào rừng, sẽ được sung sướng. Nhưng nhờ có Bộ đội Biên phòng đến giải thích, động viên nên bà con yên tâm, không nghe kẻ xấu. Bây giờ mọi người đã hiểu, theo kẻ xấu là khổ. Bây giờ bà con chỉ tin Bộ đội Biên phòng thôi”. Trưởng Ðồn Biên phòng 453 Trần Văn Thủy nhớ lại kỷ niệm khó quên khi vận động đối tượng là ông Sồng Bả Nênh, dân tộc Mông ở bản Huổi Hưa, xã Mường Cai (lúc đó chưa tách xã vẫn thuộc xã Mường Lạn) theo kẻ xấu trốn trong rừng. Ðồng chí cùng một số anh em chiến sĩ người Mông đến nhà ông Nênh vận động, thuyết phục người thân, gửi thư cam kết kêu gọi trở về đoàn tụ với gia đình. Sau này ông Nênh về, thấy bộ đội không bắt, ngược lại còn cho gạo, áo ấm nên đã bảo vợ con mổ gà cắt máu ăn thề, rồi nộp súng cho bộ đội. Từ đó an ninh trật tự ở các bản Huổi Hưa, Huổi Khe, Huổi Mươi của xã Mường Cai, và các bản Pu Hao, Nà Vạc của Mường Lạn bình yên trở lại.
Năm 2012, Ðồn Biên phòng 453 đã làm nhiều việc được cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân hoan nghênh. Ðó là, đơn vị đã trích quỹ mua 12 kg cá giống cho bà con bản Phiêng Pen phát triển kinh tế hộ. Ngoài ra, đơn vị kết hợp với Viện Quân y 103 tổ chức thăm khám, chữa bệnh cho hàng nghìn người dân tại đơn vị. Ðơn vị đã tổ chức được 1.829 buổi nói chuyện kết hợp với tuyên truyền giới thiệu mô hình phát triển kinh tế. Tới đây, Ðồn Biên phòng 453 thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ký kết nghĩa bản – bản hai bên biên giới giữa Pu Hao với Ka Lăng và Nà Vạc với Huổi Mỏ của nước bạn Lào.
Nhandan
Ý kiến ()