Thể thao Việt Nam thời dịch COVID-19: Thích ứng trong tình hình mới
Năm 2020, với quyết tâm cao cùng sự chỉ đạo kịp thời, sự chung sức đồng lòng của các huấn luyện viên, vận động viên nên trong ngành thể dục thể thao không ghi nhận trường hợp nào nhiễm COVID-19.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều sự kiện thể thao, giải đấu trong nước và quốc tế buộc phải hủy hoặc lùi lịch thi đấu, nhưng các huấn luyện viên, vận động viên vẫn miệt mài luyện tập, không xao nhãng rèn luyện. Bên cạnh đó, phong trào thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân cũng được đẩy mạnh với mong muốn nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng để phòng, chống dịch bệnh.
Sân tập vẫn “nóng”
Trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khi dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo gửi đến những đơn vị liên quan, các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ nhằm tăng cường các biện pháp, hoạt động phòng, chống dịch có hiệu quả.
Với động thái nhanh nhạy, kịp thời này, các trung tâm huấn luyện triển khai áp lệnh “cấm trại” đối với những huấn luyện viên, vận động viên đang tập huấn, tập luyện tại các trung tâm nhằm đảm bảo môi trường “sạch,” đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập,” hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm nguồn dịch vào “nơi ăn chốn ở” của các vận động viên và huấn luyện viên.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến, nhờ thực hiện nghiêm túc việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 nên môi trường sinh hoạt, tập luyện của các vận động viên chuyên nghiệp đang ở trong các trung tâm huấn luyện được đảm bảo, không có quá nhiều sự thay đổi, các vận động viên vẫn nỗ lực rèn luyện.
Trong suốt năm 2020, dù phải trải qua nhiều đợt dịch có nguy cơ bùng phát, tình hình diễn biến phức tạp khi có các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, nhưng với quyết tâm cao cùng sự chỉ đạo kịp thời, sự chung sức đồng lòng của các huấn luyện viên, vận động viên nên trong ngành thể dục thể thao không ghi nhận trường hợp nào nhiễm COVID-19.
Khi các nước trên thế giới còn đang phải lao đao vì dịch COVID-19 thì những vận động viên của Việt Nam vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan, ý chí vững vàng. Họ tin tưởng rằng sau một thời gian, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thì các giải đấu sẽ tiếp tục được tổ chức trở lại. Vậy nên, được sinh hoạt, tập luyện trong môi trường “sạch” như ở các trung tâm huấn luyện là cơ hội để họ trau dồi, rèn luyện bản thân…
Các huấn luyện viên cũng thường xuyên cập nhật tình hình, áp dụng các phương pháp dạy trực tuyến hướng dẫn các “học sinh thể thao” các bài tập thể lực, kỹ thuật, chiến thuật đặc thù theo từng môn.
Thậm chí, một số cuộc thi thể thao cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hồi cuối tháng 8/2020, các vận động viên của đội tuyển bắn súng Việt Nam đã tham dự cuộc thi bắn súng trực tuyến với các xạ thủ quốc tế để giải tỏa áp lực trong suốt thời gian dài không được thi đấu, qua đó các xạ thủ rèn luyện kỹ năng, duy trì phong độ.
Ban huấn luyện của các bộ môn nghiên cứu kỹ lưỡng, áp dụng linh hoạt các phương án để vận động viên vẫn duy trì được thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, phong độ.
Ở môn bóng đá, Ban huấn luyện đã tổ chức 2 trận đấu giao hữu giữa Đội tuyển quốc gia nam và Đội U22 quốc gia vào cuối tháng 12/2020, giúp các cầu thủ có được hưng phấn thi đấu, các chiến lược gia nhìn nhận tổng quan đội hình, điều chỉnh chiến thuật, giành chi phí phát hành vé để chung tay hỗ trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, thiên tai. Còn khán giả, những người yêu bóng đá được chiêm ngưỡng những trận đấu đẳng cấp mà rất lâu rồi họ mới được chứng kiến.
Nhờ tập luyện thường xuyên, nỗ lực để khẳng định mình mà trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng ngay sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các giải đấu được tổ chức trở lại, hàng chục kỷ lục quốc gia của các môn điền kinh, bắn súng… được thiết lập.
Thể thao quần chúng góp phần nâng cao sức khỏe người dân
Khi dịch COVID-19 hoành hành, diễn biến phức tạp thì vấn đề sức khỏe của người dân lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết.
Theo Tổng cục Thể dục thể thao, năm 2020, phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển sâu, rộng trên địa bàn cả nước. Toàn ngành tiếp tục triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới” trong tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, nông dân, lực lượng vũ trang, người khuyết tật…
Hình thức tập luyện thể dục thể thao có nhiều thay đổi để phù hợp với diễn biến của tình hình dịch COVID-19 như tập luyện tại nhà theo các bài tập đơn giản hoặc theo bài tập trực tuyến trên truyền hình, các hình thức tập luyện thể thao ngoài trời đơn giản như chạy, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, cầu lông, cờ tướng, võ thuật, bóng đá mini, bóng chuyền…
Tại các địa phương, chính quyền cơ sở đã lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao tại công viên, nơi sinh hoạt công cộng để phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân, chú trọng phát triển các môn thể thao giải trí, môn thể thao dân tộc như ôtô địa hình, câu cá, dù lượn, vũ đạo giải trí, thể thao điện tử, patin, mô tô nước, leo núi thể thao, diều bay có động cơ, bóng chuyền hơi, bóng đá, võ cổ truyền, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh quay…
Theo Tổng cục Thể dục thể thao, năm 2020 số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc đạt 34,4%, số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc đạt 25,8% tổng số hộ.
Bà Nguyễn Thị Nhung (60 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ hằng ngày, bà thường cùng các cháu tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng kết hợp với đi bộ nhằm nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng.
Bà Nhung cũng thường xuyên nhắc nhở các cháu đeo khẩu trang khi tập luyện ở nơi công cộng và chọn lựa những bài tập phù hợp với độ tuổi, sức khỏe.
Còn anh Lê Quốc Hùng (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết trước đây, do đặc thù công việc văn phòng nên anh Hùng ít khi vận động, nhưng khi dịch COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, anh đã rèn luyện nâng cao sức khỏe bằng phương pháp chạy bộ…
Theo Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, không chỉ tập luyện trực tiếp, luyện thể thao trực tuyến, tập luyện thông qua các thiết bị thực tế ảo cũng được phong trào tập giới trẻ hết sức quan tâm. Mọi người vừa có thể tập luyện, vừa có thể giải trí ngay tại nhà các bộ môn thể thao như quần vợt, bóng đá, đua xe đạp…
Vào tháng 4/2020, giải đua xe đạp “ảo” cũng đã diễn ra thành công trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Để tham gia cuộc đua ảo, người chơi cần có một chiếc xe đạp chuyên dụng có bluetooth kết nối với các thiết bị điện tử thông minh và cài đặt ứng dụng ZWIFT vào điện thoại hoặc máy vi tính. Mọi thông số của vận động viên như tốc độ, chiến thuật… đều được ghi nhận và mô phỏng trên màn hình thông qua phần mềm quản lý giả lập.
Ngoài ra, phong trào tập luyện thể dục thể thao quần chúng còn kết hợp với hoạt động du lịch trải nghiệm, trong bối cảnh dịch COVID-9 hoành hành, người dân không thể đi du lịch nước ngoài. Họ vừa có thể chạy để rèn luyện sức khỏe, phá bỏ giới hạn bản thân, vừa chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vĩ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ thể thao cũng có mối liên kết chặt chẽ với du lịch. Các giải chạy phong trào, chủ yếu diễn ra ở những nơi có phong cảnh đẹp nổi tiếng. Vận động viên tham dự có những người chuyên nghiệp và không chuyên, nhưng họ vừa được trải nghiệm, chiêm ngưỡng kỳ quan tuyệt mỹ của thiên nhiên, đất nước, vừa rèn luyện sức khỏe…/.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()