Thể thao Việt Nam sau ASIAD 2018
Ngay sau thành công tại Đại hội Thể thao châu Á-ASIAD 2018, Thể thao Việt Nam bắt tay vào việc chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 30 vào năm 2019 và tiếp đó là Olympic Tokyo 2020.
Đoàn TTVN diễu hành tại lễ khai mạc ASIAD 2018. Ảnh: VTV |
Tại ASIAD 2018, Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tham gia thi đấu 32 môn và giành được 38 huy chương các loại, trong đó có 4 HCV, 16 HCB và 18 HCĐ, xếp thứ 17 trên bảng tổng sắp. Trong số 4 HCV, có 2 huy chương thuộc hệ thống thi đấu Olympic (điền kinh và đua thuyền).
Đánh giá về kết quả này, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho rằng Đoàn TTVN đã hoàn thành mục tiêu đề ra tại ASIAD 2018 (giành 3 HCV trở lên, giành 1 HCV môn thi đấu Olympic).
Bốn HCV mà các VĐV Việt Nam giành được, gồm 2 HCV môn thi đấu Olympic (bộ môn Rowing, nội dung đua thuyền 4 nữ mái chèo hạng nhẹ và điền kinh, nội dung nhảy xa nữ). Hai HCV còn lại thuộc về các võ sĩ pencak silat).
Bên cạnh đó, trong số 16 HCB giành được, có những tấm “quý như vàng”. Tiêu biểu là HCB của VĐV Nguyễn Huy Hoàng ở cự ly bơi tự do cự ly 1.500 m nam; nữ VĐV điền kinh Quách Thị Lan giành HCB nội dung chạy 400 m rào nữ.
Thêm nữa, Đội tuyển Olympic bóng đá nam cũng là đội bóng duy nhất khu vực Đông Nam Á lọt vào TOP 4 đội mạnh nhất ASIAD.
Ông Vương Bích Thắng khẳng định đây là kết quả cao nhất trong các kỳ Đoàn TTVN tham dự ASIAD, theo Báo điện tử Tổ quốc.
Tại kỳ Đại hội lần này, TTVN có 352 VĐV tham dự và là kỳ ASIAD có nhiều VĐV tham gia nhất kể từ khi Việt Nam tham gia “đấu trường” châu lục vào năm 1982 tại Ấn Độ (40 VĐV). Đây là một trong những minh chứng thuyết phục về công tác chuẩn bị, đào tạo VĐV đang có được bước tiến lớn, đạt chuẩn quốc tế của TTVN.
Với những thành tích đã đạt được tại ASIAD 18, ông Vương Bích Thắng cho biết TTVN đã có định hướng ở những môn thể thao trọng điểm hướng tới SEA Games 30 (tháng 11/2019 tại Philippines) và Olympic Tokyo 2020. Trong thời gian tới đây, ngành sẽ tập trung đầu tư cho những môn thể thao tại Olympic, đặc biệt là những môn có thế mạnh như điền kinh, bắn súng, bơi lội và một số môn võ thuật.
Theo đó, sẽ tăng số lượng VĐV để chuẩn bị cho việc rà soát, đánh giá lực lượng cho các đại hội tiếp theo. Cùng với đó, số môn tham dự thi đấu theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách của Bộ VHTT&DL cũng tăng lên.
Tuy nhiên, ông Vương Bích Thắng cũng cho rằng thành công của TTVN, đặc biệt là bộ môn bóng đá trong năm 2018 (Giải U23 châu Á và ASIAD) cũng đặt ra áp lực rất lớn cho những người làm công tác thể thao và công tác bóng đá thời gian tới nên việc chuẩn bị chu đáo cho các giải đấu ở AFF Cup (tháng 11/2018) và Cúp Bóng đá châu Á đầu năm 2019 là nhiệm vụ quan trọng.
Theo người đứng đầu Tổng cục TDTT, ngay sau khi Đoàn TTVN dự ASIAD về nước, trong buổi gặp gỡ các VĐV đạt thành tích cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ VHTT&DL, ngành thể thao phải rà soát lại, rút ra kinh nghiệm, bài học từ những thành công, thất bại, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao thành tích.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã chỉ đạo ngành phải rà soát, rút kinh nghiệm, đánh giá toàn diện từ công tác tuyển chọn đến đào tạo huấn luyện để bảo đảm việc xây dựng lực lượng VĐV sắp tới.
Riêng với bóng đá, sau khi kết thúc ASIAD 18, các giải đấu trong nước đã tiếp tục thi đấu ngay nên đây cũng là thử thách lớn.
Cụ thể, bóng đá Việt Nam chỉ có khoảng 1 tháng để chuẩn bị từ sau khi kết thúc Giải vô địch quốc gia (V-League) đến AFF Cup 2018 (V-League kết thúc vào ngày 6/10; AFF Cup 2018 bắt đầu từ 5/11-15/12). Sau đó cũng chỉ 1 tháng, Giải vô địch châu Á-Asian Cup 2019 cũng bước vào thi đấu (từ 5-30/1/2019). Với mật độ thi đấu dày đặc như trên thì đây là một bài toán lớn vì các cầu thủ sẽ bị hao mòn thể lực.
Về phía Tổng cục TDTT, sau khi kết thúc ASIAD, Tổng cục đã cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bàn bạc chuẩn bị lực lượng cho AFF Cup và Asian Cup. Trong đó có kế hoạch đưa đội tuyển tập huấn ở nước ngoài, có kế hoạch dinh dưỡng, phục hồi thể lực, nâng cao kỹ thuật để phấn đấu giành kết quả tốt nhất.
Ý kiến ()