Thể thao Việt Nam nỗ lực giành thêm suất dự Thế vận hội
Vận động viên thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng miệt mài tập luyện chuẩn bị cho Thế vận hội sắp tới.
Theo kế hoạch, Thế vận hội mùa hè sẽ tổ chức vào tháng 8 tới nhưng đã được Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế (IOC) và nước chủ nhà Nhật Bản chuyển sang mùa hè 2021 (vẫn giữ nguyên tên gọi Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2020). Tuy nhiên, những khó khăn nêu trên cũng có thể trở thành lợi thế cho các vận động viên nước ta trong cuộc đua giành suất dự Thế vận hội.
Năm 2016, Việt Nam có 23 vận động viên giành quyền dự Ô-lim-pích tại Bra-xin. Còn hướng tới Thế vận hội lần này ở Tô-ki-ô (Nhật Bản), mục tiêu của thể thao nước ta là có từ 18 đến 20 vận động viên giành suất dự thi đấu. Thế nhưng, đến nay mới có năm vận động viên giành vé tham dự. Cơ hội tới Nhật Bản vẫn còn nhiều và Tổng cục Thể dục – Thể thao đã có kế hoạch chi tiết cử nhiều lượt vận động viên đi tập huấn và thi đấu nước ngoài để chuẩn bị cho Ô-lim-pích 2020, song tất cả đang dang dở vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cho đến nay, trước thời điểm lùi Thế vận hội, có khoảng vài chục vận động viên đỉnh cao, hàng trăm vận động viên các đội tuyển quốc gia đang tập luyện tại các trung tâm huấn luyện chờ đợi ngày hết dịch.
Bên cạnh Ô-lim-pích 2020, thể thao Việt Nam còn chuẩn bị cả lực lượng tham dự SEA Games 31 trên sân nhà vào năm 2021. Ðội tuyển điền kinh với 81 lượt vận động viên đã lên kế hoạch tham gia nhiều giải đấu khắp châu Á trong ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 6, nhưng rất khó thực hiện. Ðội tuyển bắn súng với 42 lượt vận động viên chỉ có được một đợt tập huấn ngắn tại Hàn Quốc, còn kế hoạch dự các giải bắn súng thế giới ở Ấn Ðộ, Nhật Bản, Ðức… chưa biết đến bao giờ mới có thể diễn ra. Tương tự như vậy là các đội tuyển: thể dục dụng cụ, đấu kiếm, tê-cuôn-đô, quyền Anh, giu-đô, xe đạp, bắn cung, vật, u-su, ka-ra-tê-đô, pen-cát si-lát, muay, vo-vi-nam, khiêu vũ thể thao, thể dục nghệ thuật, e-rô-bích… đều không thực hiện được kế hoạch tập huấn như dự kiến.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, theo chỉ đạo của Tổng cục Thể dục – Thể thao, hơn 600 vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia… đang tập huấn đều phải nâng cao các biện pháp phòng dịch, cấm trại tại các trung tâm huấn luyện thể thao tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ…
Việc tập huấn kéo dài tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia cũng khiến ngành thể thao gặp khó khăn vì các quy định tài chính hiện hành. Theo Luật Thể thao, các vận động viên đỉnh cao có khả năng giành huy chương cũng như vé dự Ô-lim-pích được hưởng chế độ tiền ăn khoảng 400 nghìn đồng/ngày, nhưng không quá ba tháng. Do Ô-lim-pích 2020 bị lùi thời gian tổ chức sang mùa hè 2021, các kế hoạch tập huấn thay đổi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh phí của ngành và chất lượng chuyên môn cũng như tâm lý vận động viên, nhất là việc các huấn luyện viên sẽ phải điều chỉnh giáo án, chương trình tập luyện để các vận động viên có điểm rơi phong độ phù hợp.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các vận động viên hàng đầu thế giới cũng đang chịu tác động lớn. Các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Anh… đều đã ghi nhận việc có vận động viên dương tính với Covid-19 phải nhập viện điều trị. Trên thực tế, hiện nay mới có khoảng 57% số vận động viên giành quyền tham dự Ô-lim-pích 2020 và việc lùi thời gian tổ chức sang mùa hè 2021 đều tác động tới vận động viên các nước, trong đó có Việt Nam.
Trước thực trạng thể thao các nước đang gặp khó khăn bởi đại dịch, nếu chúng ta làm tốt việc bảo toàn lực lượng vận động viên của Việt Nam sung sức nhất, tâm lý thi đấu tự tin nhất, sẽ mang lại lợi thế lớn. Bên cạnh năm vận động viên đã giành suất dự Thế vận hội, bao gồm: Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Ðỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung) và gần nhất là võ sĩ quyền Anh Nguyễn Văn Ðương, nhiều vận động viên ở các môn khác đang tiếp tục chờ đợi các cuộc thi vòng loại để có suất chính thức dự Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2020.
Hiện tại, Tổng cục Thể dục – Thể thao đang rà soát, đánh giá thành tích của các vận động viên đỉnh cao Việt Nam và các thông số thành tích quốc tế để tập trung đầu tư cho các vận động viên: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên, Lại Gia Thành (cử tạ), Vũ Thành An (kiếm quốc tế), Nguyễn Thị Tâm (quyền Anh), Kiều Thị Ly, Nguyễn Thị Xuân (vật nữ), Phạm Thị Thu Trang (điền kinh)…
Tất cả các vận động viên được chăm sóc tốt nhất từ trước tới nay, từ tiền công tập luyện, dinh dưỡng, hỗ trợ thuốc men… và đang khao khát được thi đấu để giành suất dự Ô-lim-pích 2020 vào mùa hè 2021, quyết mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Ý kiến ()