Thể thao Việt Nam cần giải pháp trọng điểm và đột phá
Không chỉ cần xoay trục đầu tư từ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) sang Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), thể thao Việt Nam (TTVN) cần giải pháp trọng điểm và đột phá để giành huy chương Olympic. Đó là nhận định của ông Trần Đức Phấn, nguyên Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Phóng viên (PV): Ông có suy nghĩ gì khi TTVN trắng tay ở Olympic Paris 2024?
Ông Trần Đức Phấn: Thành tích trên phản ánh đúng thực lực, trình độ của các vận động viên (VĐV) Việt Nam. Mặc dù đã có bước chuyển mình nhưng thể thao Việt Nam chưa có VĐV nào đạt đẳng cấp tốp đầu Olympic. Ví như Thái Lan sở hữu Panipak mà dù chưa thi đấu ai cũng đoán được cô sẽ đoạt huy chương vàng (HCV) Olympic Paris 2024.
Với lực lượng trong giai đoạn hiện nay, đấu trường phù hợp nhất mà TTVN có thể cạnh tranh thứ hạng cao vẫn là SEA Games. Từ trước đến nay, TTVN đã giành trọn bộ huy chương vàng, bạc, đồng ở Olympic, nhưng số lượng rất ít. TTVN đến với Olympic chưa hoàn toàn để tranh chấp huy chương.
PV: Vì sao các nước Đông Nam Á thường xếp sau Việt Nam ở SEA Games, nhưng ra sân chơi Olympic họ lại thành công, thưa ông?
Ông Trần Đức Phấn: Tôi từng nhiều lần khẳng định, TTVN phải nghĩ cách chuyển đổi từ 30 HCV SEA Games để lấy vài HCV ASIAD và từ vài HCV ASIAD đổi lấy 1 huy chương Olympic. Tại sân chơi Olympic, TTVN chỉ xếp hạng 5 hoặc 6 của khu vực Đông Nam Á và chưa bao giờ vượt qua được Thái Lan, Indonesia hay Philippines. Điều đó chứng tỏ các nước Đông Nam Á đã chuyển mình rất sớm so với chúng ta. Trong khi các nước Đông Nam Á đã sớm đầu tư rất mạnh cho Olympic thì TTVN chưa có một giải pháp tốt khi vẫn đang quẩn quanh ở đấu trường khu vực, chưa có sự đột phá quyết liệt để giải quyết vấn đề huy chương ở ASIAD hay Olympic. TTVN cần có giải pháp đột phá mới.
PV: Theo ông, giải pháp đột phá mới đó là gì?
Ông Trần Đức Phấn: Trước khi nghỉ theo chế độ, tôi đã đề xuất chiến lược TTVN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nội dung trọng tâm là phải xoay chuyển trục từ SEA Games sang ASIAD. Từ ASIAD, chúng ta mới chọn những nhân tố xuất sắc để tiến vào Olympic.
Trước đây, tôi từng khẳng định, muốn thành công, TTVN cần xác định rõ 3 trọng điểm: Môn thể thao trọng điểm, nội dung trọng điểm và VĐV trọng điểm. Bây giờ câu chuyện không dừng lại ở 3 trọng điểm mà cần giải pháp trọng điểm và đột phá thì TTVN mới giải được bài toán Olympic. Tiếc rằng, đầu tư của TTVN vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, khoa học, ứng dụng, y sinh học trong thể thao.
PV: Nhiều người cho rằng TTVN nên gác lại sân chơi SEA Games để tập trung vào ASIAD và Olympic, quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?
Ông Trần Đức Phấn: Nếu TTVN chỉ xếp thứ 4 hoặc thứ 5 tại SEA Games thì người hâm mộ có chấp nhận không? Tôi cho rằng, chúng ta không nên buông SEA Games vì đó là sân chơi mang tính nền tảng mà cần phải xem lại cách đầu tư. Đối với đấu trường Đông Nam Á, TTVN cần kết hợp xã hội hóa để lấy được tối đa HCV. Đối với ASIAD và Olympic, chúng ta cần tập trung nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa để cạnh tranh huy chương.
Bên cạnh đó, TTVN cần giải quyết nhiều bài toán như đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư mạnh mẽ cho VĐV trọng điểm, các vấn đề như dinh dưỡng, y học, khoa học-công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật... Tiền rất quan trọng trong phát triển thể thao thành tích cao, nhưng quan trọng nhất vẫn là nguồn nhân lực chất lượng và cách làm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến ()