Thể thao Việt Nam 2017: Những dấu ấn và gương mặt mới
Năm 2016, Thể thao Việt Nam đã có một năm thành công đặc biệt khi lần đầu tiên ĐT Futsal nam lọt vào vòng 16 Futsal World Cup; Hoàng Xuân Vinh và Lê Văn Công giành được HCV đầu tiên tại Olympic và Paralympic Rio.
Đây là cú hích mạnh cho các VĐV bước vào năm 2017 với SEA Games 29 tại Malaysia.
Dù vẫn coi SEA Games chỉ là sân chơi khu vực, nhưng nhìn một cách tích cực thì đây luôn là bàn đạp giúp cho Thể thao Việt Nam hướng tới những giải đấu lớn mang tầm châu lục (Asiad) và thế giới (Olympic). Và ở SEA Games 29, các VĐV Việt Nam đã ghi được dấu ấn mới với các kỷ lục mới.
Kỷ lục mới nội dung chạy 4×100 m nữ do các VĐV Việt Nam lập tại SEA Games 29: 43 giây 88 |
1/ Điền kinh
Năm 2017 là năm điền kinh Việt Nam giành được thắng lợi vang dội ở SEA Games với các kỷ lục mới. Tính tổng thể, với việc giành được 17 HCV, lần đầu tiên, điền kinh Việt Nam vượt qua Thái Lan (9 HCV), trở thành quốc gia mạnh nhất trong môn thể thao nữ hoàng tại Đông Nam Á. Trong số này, đáng kể nhất là nét mới trên đường chạy.
Ngoài những gương mặt quen thuộc, một trong những kết quả được coi là “kỳ tích Đông Nam Á” đã xuất hiện ở nội dung chạy 4×100 m nữ. Theo đó, các VĐV Lê Tú Chinh, Lê Thị Mộng Tuyền, Trần Thị Yến Hoa và Đỗ Thị Quyên đã khiến “kỳ phùng địch thủ Thái Lan chạy bở hơi tai mà vẫn không kịp”. Chung cuộc, các cô gái trẻ Việt Nam giành được HCV khi về đích hết 43 giây 88. Đây cũng là kỷ lục mới của SEA Games (kỷ lục cũ là 44 giây).
Cùng với đó là sự xuất hiện “ngôi sao” mới của điền kinh Việt Nam Lê Tú Chinh, nữ VĐV sinh năm 1997 lần đầu dự SEA Games đã lập cú hat-trick HCV ở các cự ly 100 m (11 giây 56), 200 m (23 giây 32) và 4×100 m.
Chưa hết, một trong những điều thú vị khác nữa là tấm HCV nhảy xa nam SEA Games 29 lại thuộc về VĐV giành vé vớt – Bùi Văn Đông.
Sinh năm 1995, lần đầu dự SEA Games do được bổ sung vào ĐT Điền kinh Việt Nam với thành tích tốt tại Giải điền kinh TPHCM mở rộng (7,89 m) nhưng VĐV nay đã vào chung kết nhảy xa nam SEA Games 29.
Sau cú nhảy 7,83 m, Bùi Văn Đông đoạt HCV (HCB là 7,78 m). Đây được coi là phát hiện mới của nội dung nhảy xa Việt Nam.
Tài năng 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn |
2/ Bơi
Tại SEA Games 29, các VĐV bơi Việt Nam giành được 10 HCV, cán đích ở vị trí thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau cường quốc bơi của châu Á Singapore.
Nhưng điều khác biệt trên đường đua xanh lần này là Việt Nam “trình làng” gương mặt mới: Nguyễn Hữu Kim Sơn.
Chỉ mới 15 tuổi, lần đầu tham gia SEA Games nhưng Kim Sơn đã gây bất ngờ lớn ở cự ly 400 m hỗn hợp nam khi về đích hết 4 phút 22 giây 12. Thành tích này vừa mang về cho Kim Sơn tấm HCV quý giá vừa giúp chàng thiếu niên Việt Nam phá kỷ lục SEA Games ngay kỳ đầu tiên tham dự (kỷ lục cũ là 4 phút 23 giây 20).
Tay đua Nguyễn Thị Thật (áo đỏ) không có đối thủ ở Đông Nam Á |
3/ Đua xe đạp
Tại SEA Games 29, cua-rơ Nguyễn Thị Thật (sinh năm 1993) giành được 2 HCV các nội dung đua nhiều vòng (criterium) cự ly 35 km và đua đồng hàng nữ cự ly 101,5 km.
Thành công của Nguyễn Thị Thật khẳng định vị thế số 1 của đua xe đạp nữ Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á.
Lực sĩ Trịnh Văn Vinh trong khoảnh khắc nâng tạ và đoạt HCV thế giới. |
4/Cử tạ
Dấu ấn mới của cử tạ Việt Nam là lực sĩ Trịnh Văn Vinh.
Trịnh Văn Vinh, sinh năm 1995, thi đấu ở hạng cân 62 kg. Tại SEA Games 29, đô cử người Quế Võ (Bắc Ninh) giành được HCV với mức tổng cử 307 kg và phá kỷ lục SEA Games.
Sau SEA Games khoảng 1 tháng, ngày 20/9 tại Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật châu Á lần thứ 5 năm 2017 (AIMAG 5) tổ chức ở Turkmenistan, Trịnh Văn Vinh tiếp tục giành được HCV với mức tổng cử 302 kg (kém thành tích SEA Games 5 kg).
Rồi đến giải vô địch thế giới 2017 tại Mỹ hồi tháng 11, Trịnh Văn Vinh lại giành được HCV nội dung cử giật hạng 62 kg khi nâng được mức tạ 136 kg (vượt mức cử giật SEA Games 29 của chính mình đúng 1 kg).
Trương Thị Kim Tuyền (áo đỏ) – tài năng Taekwondo mới của Việt Nam. |
5/ Taekwondo
Sau thành công của Trần Quang Hạ (HCV Asian 1994), Hồ Nhất Thống (HCV Asian 1998), Trần Hiếu Ngân (HCB Olympic Sydney 2000), Hoàng Hà Giang (HCV giải vô địch thế giới trẻ 2006)…, môn võ taekwondo Việt Nam chững lại về thành tích ở nội dung đối kháng.
Lứa võ sĩ mới tuy vẫn giữ vững thành tích ở SEA Games nhưng tất cả đều không thể lặp lại thành tích của các anh, chị ở các đấu trường Asian, Olympic, thế giới.
Chính vì vậy, việc võ sĩ trẻ người Vĩnh Long sinh năm 1997 Trương Thị Kim Tuyền giành được HCB hạng 46 kg tại giải vô địch thế giới 2017 tổ chức ở Hàn Quốc hồi cuối tháng 6 là thành tích đáng nể.
Để đoạt được ngôi Á quân thế giới, Trương Thị Kim Tuyền đã đánh bại nhiều võ sĩ để vào bán kết. Ở vòng này, Kim Tuyền đã hạ võ sĩ Thái Lan (người sau đó giành HCĐ) và vào chung kết. Trận cuối, nữ võ sĩ Việt Nam chỉ chịu thua võ sĩ chủ nhà.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, thành tích của Kim Tuyền là bước tiến vượt bậc của Taekwondo Việt Nam trên đấu trường thế giới vì từ trước đến nay, các võ sĩ của ta chỉ giành được HCĐ.
ĐT U20 Việt Nam tại FIFA U20 World Cup. Nguồn ảnh: |
6/ Bóng đá
Ngay sau khi những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… trưởng thành thì bóng đá Việt Nam xuất hiện lớp cầu thủ trẻ tài năng.
Đó là các cầu thủ đều sinh năm 1997 như: Tiền vệ Nguyễn Quang Hải (Hà Nội FC), hậu vệ Đoàn Văn Hậu (Hà Nội FC), trung vệ Trần Đình Trọng (Sài Gòn FC), thủ môn Bùi Tiến Dũng (FLC Thanh Hóa), tiền đạo Hà Đức Chinh (SHB Đà Nẵng)… Họ đã từng được cọ sát tại FIFA U20 Worl Cup 2017 hồi tháng 5 ở Hàn Quốc.
Hiện nay, họ đều là cầu thủ “3 trong 1” – vừa là nòng cốt câu lạc bộ chủ quản, vừa là cầu thủ đội tuyển U23 quốc gia và đội tuyển quốc gia.
Như vậy có thể thấy năm 2017, Thể thao Việt Nam xuất hiện nhiều gương mặt mới. Đó là những người trẻ tuổi tài năng, giàu khát khao cống hiến để khẳng định mình. Điều đáng mừng là nhiều người trong số họ được Nhà nước đầu tư trọng điểm hướng tới Asiad 2018 và Olympic 2020.
Ý kiến ()