Thể thao trắng tay ở Thế vận hội, lại "phán xét"
Trên bảng xếp hạng huy chương Thế vận hội Olympic Paris 2024 của các đại diện Đông Nam Á, Philippines dẫn đầu với 2 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương đồng (HCĐ); kế tiếp là các đoàn Indonesia (2 HCV, 1 HCĐ), Thái Lan (1 HCV, 3 huy chương bạc, 2 HCĐ), Malaysia (2 HCĐ), Singapore (1 HCĐ). Thể thao Việt Nam (TTVN) cùng thành tích với các đoàn Lào, Myanmar, Campuchia, Brunei, Timor-Leste khi không giành được huy chương nào. Đây là lần thứ hai liên tiếp TTVN trắng tay ở Olympic-một kết quả đáng suy nghĩ khi chúng ta xếp số 1 ở hai kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) gần nhất.
Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng đoàn TTVN tham dự Olympic Paris 2024 ghi nhận thành tích mà Trịnh Thu Vinh (bắn súng), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong (bắn cung) đạt được; đồng thời tiếc nuối khi Trịnh Văn Vinh thất bại ở hạng dưới 61kg nam môn cử tạ. Khi tập luyện, Trịnh Văn Vinh đạt tổng cử 300kg, nhưng khi vào thi đấu, một chút xao động đã khiến đô cử này không kiểm soát được. “Nhìn chung, các nước Đông Nam Á đều có chiến lược đầu tư rất rõ đối với các môn thuộc hệ thống thi đấu Asian Games hay Olympic. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, chung tay với ngành TTVN trong việc định hướng, tuyển chọn tài năng cũng như tìm chuyên gia, đưa công nghệ vào huấn luyện, từ đó giúp nâng tầm vận động viên".
Cách lý giải trên của ông Đặng Hà Việt có nhiều điểm giống với những gì ông đã phát biểu khi TTVN thi đấu không tốt tại Asian Games 19 diễn ra năm 2023. Có nhiều nguyên nhân được ông Đặng Hà Việt chỉ ra, như: TTVN có hệ thống cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chưa áp dụng được tiến bộ khoa học-công nghệ vào tập luyện và thi đấu, nhiều môn chưa làm tốt công tác xã hội hóa... Trong phát triển thể thao thành tích cao, nguồn kinh phí rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố then chốt. Đề cập về vấn đề này, ông Trần Đức Phấn, nguyên Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao) cho rằng, cơ sở vật chất của TTVN còn hạn chế, khoa học hay dinh dưỡng thể thao chưa sánh bằng những nước có nền thể thao mạnh, nhưng chúng ta cần phải đề cập đến cách đầu tư. Muốn thành công trong thể thao, không phải cứ có tiền là được, mà cần thời gian để xây dựng nền tảng, chu kỳ thành công, giúp vận động viên thích ứng và tiệm cận trình độ Olympic.
Sau hai kỳ Olympic trắng tay liên tiếp, nhiều ý kiến cho rằng, TTVN nên bỏ qua đấu trường SEA Games mà tập trung vào sân chơi Asian Games và Olympic, trong đó chú trọng vào các môn thế mạnh. Đơn cử như những môn điền kinh, bơi, bóng đá, bóng chuyền... dù TTVN có đầu tư tốt thì khả năng giành huy chương Olympic là khá thấp. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, TTVN vẫn cần phải lấy SEA Games làm nền tảng để vươn tới đấu trường châu lục và quốc tế, nhưng không nên đặt nặng thành tích, thứ hạng tại đấu trường Đông Nam Á. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam thẳng thắn: “Mục tiêu tại SEA Games chúng ta đã hoàn thành xuất sắc, nhưng đang buông lỏng đấu trường Asian Games và Olympic. TTVN cần lộ trình phát triển và quản lý chặt chẽ, thông suốt, tránh trường hợp các cấp lãnh đạo, quản lý chỉ cố gắng làm tốt trong nhiệm kỳ của mình. Bởi chu kỳ đầu tư cho thể thao thành tích cao có thể kéo dài tới 20 năm nên tư duy nhiệm kỳ là không phù hợp”.
Ý kiến ()