Thể thao thành tích cao đứng trước những thử thách mới
Thi đấu đối kháng nội dung nữ hạng cân 41-45kg giải Vô địch Vovinam toàn quốc tại nhà thi đấu TDTT tỉnh |
Thể thao thành tích cao (TTTTC) tỉnh ta có thể được đánh dấu từ mốc năm 2004, tại giải vô địch wushu thế giới tổ chức tại Trung Quốc, và năm 2005, Giải Cúp vô địch thế giới tổ chức tại Hà Nội, vận động viên (VĐV) Hà Thị Hạnh tỉnh ta thi đấu đạt 2 huy chương vàng thế giới nội dung tán thủ (đối kháng). Trải qua hơn 10 năm, thực hiện quan điểm của tỉnh về đẩy mạnh phát triển TTTTC, công tác này đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và duy trì khá tốt. Kết quả sau nhiều năm triển khai tổ chức thực hiện, TTTTC đã gặt hái được nhiều huy chương các loại tại các giải đấu khu vực và quốc gia. Đến năm 2006, tỉnh ta tham dự đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V tổ chức tại Hà Nội đã đạt 2 huy chương vàng và 5 huy chương đồng môn wushu và môn boxing. Tiếp đến năm 2010, tỉnh ta cử các đoàn VĐV tham dự thi đấu các giải wushu, karatedo, boxing môn thi tại Đại hội TDTT Toàn quốc lần thứ VI tổ chức tại Đà Nẵng, các đoàn VĐV tỉnh ta giành chiến thắng với 10 huy chương các loại; trong đó có 1 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 5 huy chương đồng. Thành tích của các đoàn VĐV môn võ tỉnh ta tham gia thi đấu cấp quốc gia luôn đứng trong tốp khá của các tỉnh miền núi và được Uỷ ban TDTT quốc gia đáng giá là tỉnh có thế mạnh về các môn võ.
Nhằm khơi dậy và phát triển TTTTC trong giai đoạn hiện nay, tỉnh ta luôn quan tâm đến phong trào thể thao quần chúng; đồng thời đề cao vai trò của công tác phát triển TTTTC trong thời kỳ hội nhập và phát triển; với kỳ vọng phát triển TTTTC sẽ nâng cao vị thế, tầm nhìn của một tỉnh có thế mạnh phát triển kinh tế- xã hội ở khu vực cửa ngõ phía Bắc của Tổ quốc. Theo đó năm 2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1243/QĐ-UBND tỉnh về việc “Phê duyệt Đề án phát triển TTTTC tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2011-2015”. Mục tiêu của đề án, trong giai đoạn: phấn đấu mỗi năm đạt từ 35- 40 huy chương các loại, giữ vững ở thứ hạng tốp 10-15 tỉnh miền núi trong cả nước và đứng thứ 40- 45/66 tỉnh, thành, ngành toàn quốc.
Sau hơn 2 năm đề án ra đời, công tác TTTTC đã có sự ảnh hưởng nhất định tới công tác phát triển thể thao tỉnh nhà. Hàng năm, Trung tâm Huấn luyện và Tổ chức thi đấu (ĐTHL&TCTĐ) TDTT tỉnh đề cử từ 12-16 đoàn VĐV tham dự thi đấu các giải thể thao và giành được nhiều huy chương các loại; tập trung ở các môn võ và điền kinh. Riêng năm 2013, Trung tâm ĐTHL&TCTĐ TDTT tỉnh cử 13 đoàn VĐV tham dự giải cấp quốc gia và giành được 5 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 16 huy chương đồng.
Nhìn về tổng sắc huy chương cho thấy, thành tích thi đấu đạt thấp hơn so với mục tiêu. Một số môn mũi nhọn như: wushu, karatedo, boxing, võ cổ truyền và điền kinh, chúng ta thiếu bóng các ngôi sao tên tuổi; số VĐV giành huy chương vàng, được phong danh hiệu kiện tướng giảm. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành thể thao tỉnh nhà tham dự 8 môn thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, tổ chức vào quý IV/2014; trong đó Trung tâm ĐTHL&TCTĐ TDTT tỉnh sẽ đảm nhận tổ chức 4 đoàn VĐV tham dự thi đấu 3 môn võ và môn điền kinh; còn lại 4 môn khác do các câu lạc bộ thể thao chọn cử VĐV tham dự. Về mục tiêu thành tích đặt ra tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, ngành phấn đấu là có huy chương, nhưng không đặt ra cụ thể là bao nhiêu.
Khó khăn của Trung tâm ĐTHL&TCTĐ TDTT tỉnh khi triển khai thực hiện đề án theo Quyết định số 1243/QĐ-UBND, nguồn kinh phí cho tập huấn đào tạo VĐV năng khiếu còn hạn hẹp; số VĐV mũi nhọn tham gia thi đấu không được tham dự các lớp tập huấn ngoài tỉnh, ít có dịp cọ sát với các VĐV tỉnh bạn. Điều kiện nơi tập luyện còn chật hẹp, dụng cụ tập luyện còn thiếu thốn. Nơi nghỉ ngơi của VĐV năng khiếu còn mang tính chất tạm thời.
Hiện tại Trung tâm ĐTHL&TCTĐ TDTT tỉnh duy trì khoảng 40 VĐV ngoại trú; 70 VĐV năng khiếu tập trung nghỉ ngơi tại gầm nhà thi đấu TDTT tỉnh. Bình quân, cứ 4 VĐV sống chung trong căn phòng 10 m2. Còn về chế độ dinh dưỡng, mỗi VĐV tuyến I và tuyến II được hưởng 45-50 nghìn đồng/người/ngày. Có thể nói, mức dinh dưỡng đối với VĐV là quá thấp. Số VĐV năng khiếu của tỉnh chủ yếu là các em học sinh phổ thông vừa theo học văn hoá vừa tham gia luyện tập thi đấu. Trong nhiều năm qua, số VĐV là đối tượng học sinh gặp không ít khó khăn, vừa phải lo học tập vừa lo tập luyện thể thao và tham gia vào các hoạt động ngoại khoá của nhà trường, bởi lẽ các em chưa có một văn bản, quy chế về mối quan hệ giữa nhà trường và nơi quản lý tập luyện thể thao.
Thiết nghĩ công tác TTTTC đã được tỉnh quan tâm xây dựng đề án, các cấp các ngành chức năng cần quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về tài chính, điều kiện sinh hoạt cho các VĐV. Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp chỉ đạo công tác quản lý cũng như tạo điều kiện để các VĐV tham gia tốt công tác luyện tập thi đấu và tham gia học văn hoá. Hy vọng rằng trong thời gian tới, TTTTC của tỉnh sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong lĩnh vực thể dục thể thao và phát triển kinh tế-xã hội.
Ý kiến ()