Thể thao người khuyết tật hướng tới thành tích cao
Vận động viên người khuyết tật Võ Thanh Tùng giành Huy chương vàng môn bơi tại Asian Para Games 2018.
Trong năm 2019, thể thao người khuyết tật Việt Nam nỗ lực chuẩn bị cho ASEAN Para Games 2019 tại Phi-li-pin. Đây cũng là năm bản lề hướng tới Pa-ra-lim-pích 2020 tại Nhật Bản và ASEAN Para Games 2021 do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Năm vừa qua, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2018 (Asian Para Games 2018), xếp thứ 12 về thành tích toàn đoàn trong 45 đoàn của các nước và vùng lãnh thổ tham dự. Chỉ với 56 VĐV dự tranh tài ở 7/18 môn thi đấu, nhưng các VĐV nước ta đã đạt thành tích ngoài mong đợi khi giành được tám Huy chương vàng (HCV), tám Huy chương bạc (HCB) và 24 Huy chương đồng (HCĐ). Đặc biệt xuất sắc là môn cử tạ có bốn VĐV thi đấu thì tất cả đều mang về huy chương, trong đó có hai HCV.
Những tấm huy chương mà các VĐV thể thao người khuyết tật giành được trên đấu trường châu lục là kết quả xứng đáng cho ý chí kiên cường, vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường. Có thể nêu lên những tấm gương đã đi vào lịch sử thể thao nước nhà và thể thao châu Á như VĐV cử tạ Lê Văn Công hay VĐV bơi Võ Thanh Tùng,… Qua đó, cũng cho thấy thể thao người khuyết tật Việt Nam đã và đang từng bước phát triển với chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Để có được những thành tích nêu trên, thời gian qua, ngành thể thao đã có nhiều quan tâm trong công tác đầu tư. Tuy nhiên, do kinh phí cùng các nguồn tài trợ còn nhiều hạn chế, trong khi chế độ khen thưởng, động viên còn bất cập, dẫn đến khó khăn cho việc tập luyện và thi đấu của VĐV thể thao người khuyết tật. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Pa-ra-lim-pích Việt Nam Vũ Thế Phiệt, để khắc phục những khó khăn do thiếu kinh phí cho việc tập luyện, thi đấu và hỗ trợ phát triển phong trào thể thao người khuyết tật, cần có chính sách phát triển thể thao người khuyết tật và huy động nguồn tài trợ có chiều sâu, lâu dài, nhất là những nguồn đầu tư trực tiếp về dinh dưỡng và sinh hoạt phí cho các VĐV.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Hiệp hội đang tập trung phát triển mạng lưới câu lạc bộ thể dục – thể thao cơ sở của người khuyết tật, quan tâm xây dựng thể thao người khuyết tật học đường, nhất là ở các trường giáo dục đặc biệt, nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động thể dục thể thao của cộng đồng và xã hội.
Từ sự mở rộng của phong trào thể thao người khuyết tật cơ sở, mới có thể phát hiện và bồi dưỡng các tài năng cho thể thao người khuyết tật Việt Nam; tuyển chọn VĐV cho các đội tuyển thể thao người khuyết tật quốc gia chuẩn bị cho Pa-ra-lim-pích 2020 tại Nhật Bản và ASEAN Para Games 2021 mà Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai. Để chuẩn bị cho điều này, Hiệp hội Pa-ra-lim-pích Việt Nam đang xúc tiến công tác truyền thông, hợp tác quốc tế và đẩy mạnh việc xã hội hóa, nhằm thu hút nguồn lực của xã hội cho hoạt động thể thao người khuyết tật.
Trước mắt là chuẩn bị cho Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 2019 sắp tới tại Phi-li-pin. Hiện tại, cho dù thiếu kinh phí, nhưng các VĐV người khuyết tật Việt Nam vẫn được tạo điều kiện ra nước ngoài tập huấn, thi đấu nhằm tăng cường cọ xát, ổn định tâm lý, kinh nghiệm để giành thành tích cao tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới, trong đó tập trung vào các môn trọng điểm, có khả năng giành thành tích cao như: điền kinh, bơi, cờ và cử tạ.
Với sự phát triển của phong trào thể thao người khuyết tật và những đòi hỏi nâng cao chuyên môn của thể thao người khuyết tật thành tích cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà cụ thể là Tổng cục Thể dục – Thể thao, Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa, nhất là về hỗ trợ kinh phí cho thể thao người khuyết tật Việt Nam. Đồng thời cơ cấu lại tổ chức chuyên trách về thể thao người khuyết tật, thành lập Ủy ban Pa-ra-lim-pích cho phù hợp thực tế công việc và chuyên môn như các nước trong khu vực và thế giới đã thực hiện lâu nay.
Ý kiến ()