Thế thắng trong cuộc chiến bất đối xứng
Vậy là thế giới đã bước sang năm thứ 3 với nỗ lực toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19, một cuộc chiến chưa có tiền lệ trong lịch sử nhân loại.
Trong cuộc chiến tổng lực giữa con người và virus lần này, dù đã có sự thống nhất về mặt chiến thuật như đeo khẩu trang, sát khuẩn, giãn cách, cách ly…, đã bào chế thành công nhiều loại vaccine và thuốc, nhưng cho tới nay, loài người vẫn chưa có một vũ khí đặc trị virus gây ra Covid-19 khi chúng liên tục biến hóa khôn lường và tới nay đã có biến chủng thứ 7 với tên Omicron lây lan siêu tốc. Tuy vậy, có thể khẳng định, tới cuối năm 2021, con người đang ở thế thắng trong cuộc chiến bất đối xứng này. Chúng ta được phép lạc quan, nhưng đó là sự lạc quan thận trọng trong cuộc chiến dai dẳng với nhiều mất mát này.
Người dân Australia muốn đi du lịch phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Ảnh: Reuters |
Những tháng cuối năm 2020, đội quân virus đã ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong năm 2021 với sự xuất hiện của một loạt biến thể mới hòng ra đòn triệt hạ. Những “quân đoàn virus” như Alpha, Beta, Gamma rồi Delta lần lượt được điểm danh làm đau đầu các chuyên gia dịch tễ học và khiến các chính phủ bối rối trong việc đưa ra chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Trong số những biến chủng mới này, Delta có tốc độ lây lan và nguy hiểm hơn cả. “Bom Delta” đã rải thảm trên khắp hành tinh chỉ trong vài tháng khiến thế giới chao đảo. Còn gì ảm đạm hơn khi thấy hình ảnh bệnh viện quá tải, những hàng dài xe cứu thương chở bệnh nhân Covid-19 chờ được nhập viện, người dân tranh nhau từng bình oxy hay chen lấn để nhận từng khẩu phần ăn bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh, vì không có ăn sẽ chết trước cả khi nhiễm bệnh. Tổn thất nặng nề nhất bởi chủng Delta là Ấn Độ. Thống kê tới đầu tháng 7-2021, đã có hơn 400.000 người Ấn Độ bị chết bởi biến chủng Delta, trong khi tính tới ngày 29-12-2021, toàn thế giới có hơn 293 triệu ca dương tính và hơn 5,4 triệu người chết kể từ khi dịch bệnh quái ác này xuất hiện. Đó là một mất mát quá lớn và sẽ chẳng ai quên được hình ảnh nhìn từ trên cao, khi Ấn Độ được thắp sáng bằng những đốm lửa đỏ rực thiêu xác người tử nạn. Nguy hại hơn, virus đã điểm huyệt đúng Ấn Độ-công xưởng sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cú đánh chẳng khác gì cắt đứt nguồn hậu cần chiến dịch.
Thế nhưng, trong cuộc chiến khốc liệt với kẻ thù vô hình virus SARS-CoV-2 trong năm qua, con người cuối cùng đã làm chủ chiến trường, dù đây đó vẫn còn những trận địa bỏ ngỏ. Thay vì “chủ nghĩa dân tộc vaccine” như ban đầu, các chuyến bay đã chở vaccine tới nhiều quốc gia theo cơ chế COVAX, một cơ chế nhân đạo được sáng lập nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine nhanh chóng và bình đẳng giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Nguồn cung vaccine tới cuối năm 2021 cũng dồi dào hơn khi nhiều nước đã chủ động sản xuất được vaccine, đồng thời, nhu cầu tiêm chủng không khẩn cấp và cao như đầu năm. Tới cuối tháng 12-2021, theo The New York Times, đã có 4,52 tỷ người trên toàn thế giới được tiêm ít nhất một liều vaccine, tương đương 58,9% dân số thế giới. Đó là một thành tích đáng tự hào. Ấy thế nhưng, nhìn vào bản đồ tiêm chủng toàn cầu mới thấy sự bất bình đẳng hiện rõ khi tới nay, chỉ khoảng 8% dân số ở châu Phi được tiêm đủ hai mũi. May thay, trận địa còn bỏ ngỏ này lại có số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong ở mức thấp.
Với chiến lược tiên quyết là tiêm chủng, thế giới hân hoan khi các sự kiện lớn vẫn được tổ chức. Giải vô địch bóng đá châu Âu (UEFA Euro) 2020 được tổ chức vào mùa hè năm 2021 nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi và với các sân cỏ kín cổ động viên ở 11 quốc gia châu Âu. Tương tự, Thế vận hội Mùa hè 2020 cũng đã được tổ chức năm 2021 ở Nhật Bản với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Các hội nghị thượng đỉnh, các cuộc gặp trực tiếp của nguyên thủ các quốc gia cũng diễn ra với tần suất dày hơn. Phần lớn các quốc gia trên thế giới như đã bước sang một trạng thái bình thường mới khi xác định sống chung với dịch bằng tấm khiên bảo vệ là vaccine và các biện pháp phòng dịch.
Xu hướng mở cửa và kết nối của các quốc gia bỗng bị khựng lại khi biến chủng Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11 vừa qua. Omicron như một cú đánh tạt sườn tổng lực và thần tốc. Trong chưa đầy một tháng, đạo quân Omicron đã xuất hiện ở hơn 100 quốc gia, một tốc độ lây lan nhanh kỷ lục của virus. Israel, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất và sớm nhất thế giới đã phải vội vã đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của biến thể này. Tới nay, Omicron đã là biến chủng chủ đạo ở Mỹ và nhiều quốc gia khi thống kê trung bình 7 ngày gần đây cho thấy, mỗi ngày, nước Mỹ có tới 270.000 ca nhiễm. Các kết quả nghiên cứu tới cuối năm 2021 chưa cung cấp hiểu biết đầy đủ về Omicron, nhưng theo các chuyên gia y tế, vaccine và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch sẽ vẫn giúp chặn đà lây lan của virus và giảm thiểu số ca tử vong. Bên cạnh đó, việc một số loại thuốc điều trị Covid-19 dễ sử dụng được cấp phép cuối năm nay là bằng chứng khẳng định bệnh dịch sẽ sớm bị đẩy lui.
Câu hỏi mà thế giới chưa có lời giải đầu năm 2020 về cách đánh giặc Covid-19 giờ đã được trả lời rõ ràng và có sự thống nhất toàn cầu bằng công thức “vaccine 5K”. Việc cần bàn trong cuộc chiến toàn cầu này là ý thức tuân thủ quy định của người dân và nâng cao hơn nữa tỷ lệ bao phủ vaccine. Tin tức từ nhiều quốc gia đã kịp thời vạch rõ những mặt trái trong đại dịch, khi người dân ở một số nước phản đối tiêm vaccine, vi phạm những quy định về phòng, chống dịch và nguy hiểm hơn nữa là hành vi tham nhũng, trục lợi trong đại dịch-một loại virus còn nguy hiểm hơn cả virus SARS-CoV-2. Những hành động đó là rào cản, nhưng chắc chắn sẽ bị đè bẹp dưới bánh xe của loài người trên con đường chiến thắng đại dịch.
Ý kiến ()