Thế mạnh từ sức dân
LSO-Từ năm 2016 đến nay, huyện Chi Lăng bê tông hóa được hơn 43 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, nhà nước đầu tư gần 10 km, còn lại nhân dân thực hiện hơn 33 km, chiếm 76,7%.
![]() |
Nhân dân thôn Nà Pe, xã Bằng Mạc bê tông đường trục thôn |
Đến xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng những ngày đầu Xuân Đinh Dậu 2017, người dân thôn Nà Pe đã hồ hởi bắt tay ngay vào bê tông hóa đường trục thôn theo chuẩn nông thôn mới. Bà Triệu Thị Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc cho biết: Cuối năm 2016, khi được nhà nước hỗ trợ vật liệu làm đường trục thôn, người dân thôn Nà Pe bắt tay vào thi công ngay. Qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, còn hơn 200 m chưa bê tông hóa, thôn ra quân xây dựng tiếp đến nay đã gần xong. Nhà nào cũng chủ động đóng góp ngày công lao động. Có những người đi làm công nhân ở xa nhà, nhưng vẫn tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần về làm bù công; người không thể về được thì nhờ người thân, họ hàng làm hộ. Cùng với đó, thôn đã thống nhất đoạn đường cần mở rộng thuộc phần đất nhà nào thì nhà đó sẽ tự nguyện hiến.
Nhờ sự hưởng ứng của nhân dân mà đến nay xã Bằng Mạc chỉ cần xây dựng xong 7,7 km đường trục xã nữa là hoàn thành tiêu chí giao thông. Được biết, đây là đoạn đường không đi qua khu dân cư, nên để đẩy nhanh tiến độ, xã đã vận động người dân tham gia ngày công và đã được các thôn nhiệt tình hưởng ứng.
Không chỉ riêng xã Bằng Mạc, mà trong thời gian qua hầu hết nhân dân các xã trên địa bàn huyện Chi Lăng đều nhiệt tình và chủ động tham gia làm đường giao thông nông thôn. Trong đó có những thôn mặc dù điều kiện kinh tế nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn tự nguyện hiến đất, góp tiền và góp sức mở rộng đường đạt chuẩn nông thôn mới như thôn Pắc Pẻn, xã Chiến Thắng.
Ông Linh Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: Điều đáng mừng nhất trong thời gian, qua đó là việc người dân trên địa bàn huyện hưởng ứng mạnh mẽ phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhất là việc làm đường giao thông nông thôn, trong quá trình thực hiện người dân luôn chủ động làm đúng kỹ thuật, độ dày, chiều rộng của mặt đường theo quy định.
Tính từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Chi Lăng làm được hơn 43 km đường bê tông, với tổng kinh phí đầu tư gần 31 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong đó, nguồn vốn huy động từ nhân dân là 11,5 tỷ đồng, chiếm 37,1%. Cùng với đó, trong năm 2016, huyện Chi Lăng đã triển khai xây dựng 6 cầu dân sinh dầm thép theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” với tỷ lệ đầu tư nhà nước 60% và nhân dân đóng góp 40%.
Mặc dù chính quyền cũng như nhân dân huyện Chi Lăng đã phấn đấu phát triển giao thông nông thôn, nhưng do địa hình phức tạp, nhiều xã có điều kiện kinh tế khó khăn, nên đến nay huyện mới bê tông hóa được 250 km đường giao thông nông thôn trên tổng số 747 km, đạt 33%. Cùng với đó, hiện tại toàn huyện mới có 4 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông.
Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Huyện xác định, để xây dựng nông thôn mới không chỉ trông chờ vào nguồn vốn nhà nước mà cần có sự chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân. Do vậy, tiêu chí giao thông, huyện chủ trương thực hiện theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Qua các hình thức vận động tuyên truyền, ý thức của người dân đã nâng cao, nhận thức được lợi ích từ phát triển giao thông nên việc bê tông hóa ở các xã đều thuận lợi. Năm 2017, huyện phấn đấu cứng hóa đường ô tô đến trung tâm các xã đạt 100%.
ANH DŨNG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()