Thế mạnh kinh tế cửa khẩu
LSO-Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn được quy hoạch trên diện tích 394 km2. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa chức năng trên cơ sở lấy khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng và thành phố Lạng Sơn làm chủ đạo để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, tiềm năng thương mại- dịch vụ đã được đánh thức tạo sức bật cho phát triển kinh tế cửa khẩu.
Bốc xếp sang tải hàng hóa xuất khẩu ở cửa khẩu Cốc Nam |
Thương mại: có bột ắt gột nên hồ
Năm 2010, khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22 ngày 15/12/2010 về quy hoạch phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn thì kinh tế cửa khẩu bắt đầu khởi sắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ và dần hoàn chỉnh. Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ được mở rộng. Giao thông, bến bãi được tiếp tục đầu tư đã tạo điều kiện cho thương mại, dịch vụ phát triển. Trong vòng 4 năm, đã có 3 bến xe được khai thác, hàng chục bãi sang tải hàng hóa cùng các điểm đấu nối cùng mức để chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu. Những điều đó là cánh tay đòn hữu hiệu nhất để dịch vụ, thương mại phát triển. Theo ông Trần Tiến Minh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, đây là một bước tiến dài mà tỉnh đã lựa chọn tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế cửa khẩu. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đã tạo đà cho phát triển thương mại. Tại các chợ, siêu thị ở thành phố Lạng Sơn, Đồng Đăng, Cửa khẩu Tân Thanh hàng hóa bán buôn bán lẻ phong phú, đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, và khách nội địa. Thương mại đã thu hút một lượng lớn khách du lịch thăm quan mua sắm, mỗi năm khu kinh tế thu hút trên một triệu lượt khách du lịch. Từ khi ban hành Nghị quyết 22, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa đã tăng bình quân 14,9%/năm. Nếu như năm 2011 đạt trên 4 nghìn tỷ đồng thì từ đầu năm 2014 đến nay đã đạt trên 9 nghìn tỷ đồng. Tại các khu vực cửa khẩu đã tạo ra nhiều điểm mua sắm hàng hóa dịch vụ, những điều đó đã tạo cho Lạng Sơn thành một bức tranh sinh động về phát triển kinh tế.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng đột biến
Mặc dù hạ tầng giao thông được đầu tư khá mạnh, nhiều bến bãi, kho vận được mở rộng nhưng một hình ảnh rất dễ nhận thấy là ách tắc hàng hóa xuất nhập khẩu cục bộ. Nguyên nhân là hệ thống trung chuyển chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo ông Trần Tiến Minh, khi tăng trưởng nóng về xuất nhập khẩu, ách tắc cục bộ là điều không khó hiểu. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, qua đó để tỉnh mạnh dạn kêu gọi đầu tư, mở rộng bến bãi để ngày càng phục vụ tốt hơn. Qua xử lý các tình huống xuất nhập khẩu hàng hóa, trình độ quản lý, ứng phó của các ban ngành chức năng ngày càng được nâng lên. Ách tắc giảm dần, lợi thế ấy được phản ánh bằng số thu mỗi ngày một tăng. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các năm đều tăng. Năm 2011- 2013 đã đạt trên 5,6 tỷ USD. Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn khu kinh tế đã đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 3 tỷ USD. Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút trên 2.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn. Tiềm năng thương mại, dịch vụ được khai thác đã tạo cho hàng hóa lưu chuyển nhanh, tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng thu ngân sách toàn tỉnh đã đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, trong đó phần lớn là thu từ nguồn thuế xuất nhập khẩu, phí và lệ phí trong khu kinh tế cửa khẩu.
Dịch vụ tạo chuyển dịch cơ cấu lao động
Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Động, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc có trụ sở tại Văn Lãng cho biết: “Nhờ làm dịch vụ xuất nhập khẩu, sang tải hàng hóa, khai thác bến bãi, công ty đã tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động nông nhàn ở địa phương. Họ đã có cuộc sống và thu nhập khá ổn định”. Theo cơ cấu kinh tế cửa khẩu, chuyển dịch cơ cấu lao động là tăng thương mại dịch vụ, giảm lao động nông nghiệp. Theo đó, các công ty dịch vụ, hợp tác xã gắn với hoạt động kinh tế cửa khẩu ngày càng nhiều. Xuất hiện nhiều doanh nghiệp chuyên dịch vụ tại cửa khẩu như Công ty TNHH Xuân Cương, Công ty Thiên Trường, Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Thanh… Từ đó đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lao động “ly nông bất ly hương”. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút gần 10 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt gần 4 triệu lượt. Doanh thu xã hội từ du lịch tăng bình quân 5,4%, khoảng 800 tỷ đồng.
Khai thác thế mạnh thương mại dịch vụ trong Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn đã thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, tạo công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần củng cố quốc phòng an ninh đúng với tinh thần Nghị quyết 22 mà HĐND tỉnh kỳ vọng.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()