Thế khó của EU trong xây dựng biện pháp tái thiết kinh tế hậu COVID-19
EC đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc xây dựng biện pháp tái thiết và thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu sau những thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19.
Ủy ban châu Âu (EC) đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc xây dựng biện pháp tái thiết và thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu sau những thiệt hại nặng nề do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất như Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ, nằm trong số những quốc gia có mức nợ cao nhất tại châu Âu và do đó chính phủ các nước này gặp nhiều hạn chế trong việc đưa ra chính sách tài khóa.
Việc chính phủ các nước này tăng chi tiêu mà không có sự hỗ trợ của EU có thể khiến thị trường sụp đổ và làm mất niềm tin vào khả năng nền kinh tế có thể sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế mà vẫn “lành lặn.”
Theo Ủy viên phụ trách kinh tế và tiền tệ của EU, ông Cameron Gentiloni, châu Âu cần một gói cứu trợ chung tổng cộng khoảng 1.500 tỷ euro (tương đương 1.600 tỷ USD) để ngăn chặn thảm họa trong dài hạn.
Cho đến nay, các quốc gia thành viên chỉ cam kết khoảng 1/3 con số trên và số tiền đó cũng chỉ dành cho hỗ trợ khẩn cấp, bởi những quốc gia miền Bắc như Hà Lan, Áo và Đức không sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.
Một trong những bất đồng giữa các quốc gia EU liên quan đến vấn đề nợ công. Để tránh nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) một lần nữa, Tây Ban Nha và Italy đã dành nhiều tuần để đề nghị sự hỗ trợ từ các quốc gia láng giềng giàu có và ít bị ảnh hưởng hơn.
Kế hoạch ban đầu là các nước thành viên Eurozone thành lập một quỹ trái phiếu cho vay dài hạn, được gọi là “trái phiếu corona,” một cơ chế gộp nợ chung nhằm hỗ trợ nỗ lực tài chính của các quốc gia trong cuộc chiến chống COVID-19.
Một số quốc gia như Đức và Hà Lan đã phản đối đề xuất này vì không muốn ràng buộc kinh tế với những đối tác đang ngập trong nợ khác. Tuy nhiên, những nước này đã đồng ý cung cấp một số cơ chế hỗ trợ kinh tế bổ sung sử dụng ngân sách của EU.
Các khoản cứu trợ của EU thường đi kèm với các điều kiện cải cách nghiêm ngặt, chẳng hạn như các khoản vay dành cho Hy Lạp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của nước này. Tuy nhiên, Italy và Tây Ban Nha kêu gọi viện trợ trực tiếp mà không có sự ràng buộc nào.
Trên thực tế, ngân sách của EU thiếu sức mạnh chi tiêu khi so sánh với ngân sách quốc gia, đặc biệt các cường quốc như Đức. Hiện tại, ngân sách EU có giá trị tương đương 1% nền kinh tế toàn khối, với phần lớn trong số đó dành cho trợ cấp nông nghiệp và viện trợ cho các khu vực nghèo của châu Âu.
Do đó, nhiều nhà kinh tế bày tỏ hoài nghi về sự hiệu quả của một quỹ hỗ trợ nền kinh tế Eurozone sau đại dịch COVID-19 trị giá hơn 1.000 tỷ euro (khoảng 1.097 USD) mà EU thông báo mới đây.
Một số chuyên gia dự đoán mô hình mà EC có thể triển khai sẽ tương tự như Kế hoạch Juncker, được thiết kế bởi người tiền nhiệm của bà Von der Leyen, cựu Chủ tịch Jean-Claude Juncker.
Theo Kế hoạch Juncker được khởi xướng vào cuối năm 2014, từ số vốn 16 tỷ euro ngân sách châu Âu, thông qua Quỹ châu Âu về Đầu tư Chiến lược (FEIS), Brussels cho biết đã huy động được 335 tỷ euro từ vốn đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, năm ngoái cơ quan kiểm toán riêng của EU đã bày tỏ nghi ngờ về số liệu này.
Văn bản dự thảo về kế hoạch mà EC soạn thảo bị rò rỉ mới đây cho thấy một cơ chế tương tự, theo đó EC kỳ vọng huy động 2.000 tỷ euro vốn đầu tư dựa trên số tiền 320 tỷ euro vay từ thị trường tài chính. Tuy nhiên các quan chức EU đã phủ định dự thảo này./.
Ý kiến ()