Thứ 6, 29/11/2024 23:44 [(GMT +7)]
Thế giới Vật lý trong chiếc nón Việt Nam
Thứ 3, 24/07/2012 | 08:41:00 [(GMT +7)] A A
Giáo sư P.Darriulat tại buổi giảng bài. Ảnh: Lê Hà |
Dùng hình tượng chiếc nón lá của Việt Nam, giáo sư Pièrre Darriulat đã mô tả ba giới hạn của thế giới vật lý là: lượng tử, hấp dẫn, năng lượng tối và những giao điểm của chúng là: thang Planck, Vũ trụ và Neutrino. Ông gọi đây là thế giới vật lý trong chiếc nón Việt Nam hay “Vũ trụ trong chiếc nón”.
Hôm thứ tư, 18-7, tại Viện nghiên cứu cao cấp về toán, các sinh viên, nghiên cứu sinh, các nhà khoa học đã nghe bài giảng “Vũ trụ trong chiếc nón” của GS Darriulat, nhà vật lý hàng đầu quốc tế, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986. Bài giảng của ông đã được đông đảo các sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà khoa học Việt Nam đón nhận.
Đây là bài giảng đầu tiên trong chuỗi bài giảng Khoa học thưởng thức do Viện nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức với diễn giả là những nhà khoa học hàng đầu. Đối tượng nghe giảng bao gồm những người có kiến thức chung về khoa học, nhưng không nhất thiết có hiểu biết chuyên môn sâu trong lĩnh vực của bài giảng. Tuy nhiên, theo GS. Ngô Bảo Châu để có thể theo dõi và hiểu phần nào các chuyên đề này cũng phải là những người có kiến thức khoa học, những nhà khoa học chứ không phải hoàn toàn dành cho đại chúng.
“Mục đích của chương trình là mời được các nhà khoa học có sự gần gũi với những tiến bộ khoa học mới mẻ nhất, các vấn đề đang nóng hổi trong khoa học, những vấn đề đó được trình bày theo ngôn ngữ để những người có nền tảng khoa học chung có thể hiểu được”- GS.Châu cho biết thêm- “Có GS.Darriulat nói chuyện mở đầu cho chuỗi bài giảng là sự may mắn tuyệt vời.”
Tháng 7 vừa qua, một sự kiện làm rung chuyển thế giới khoa học là công bố của hai nhóm thực nghiệm tại Viện nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) về hạt boson Higgs. Loại hạt này cho phép giải thích cơ chế sinh ra khối lượng của các hạt cơ bản trong Mô hình chuẩn. Sự tồn tại của hạt Higgs được đưa ra như một giả thuyết trong những năm 1960. Nó là đối tượng của một cuộc săn đuổi kéo dài gần 50 năm và là một trong những lý do chính cho việc xây dựng máy gia tốc đối chùm hadron khổng lồ (LHC) ở CERN.
GS.Darriulat đã theo dõi sự kiện phát hiện về hạt Higgs boson nhờ máy gia tốc đối chùm hadron khổng lồ tại CERN. Hai sinh viên từ nhóm nghiên cứu thực nghiệm nổi tiếng UA2 của ông trước đây đã là người công bố kết quả tìm ra hạt Higgs vừa qua.
GS Ngô Bảo Châu cho biết, hạt Higgs là “một trong những mảnh thiếu nhất trong bức tranh về hạt cơ bản”, vì vậy việc tìm ra nó có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để xây dựng thí nghiệm tìm hạt Higgs, có những người đã làm việc suốt 30 năm, cống hiến toàn bộ sự nghiệp khoa học và chi phí bỏ ra lên đến hàng tỉ đô la.
GS.Darriulat là một trong những người sáng lập thí nghiệm nổi tiếng UA2 tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) nhằm tìm ra các hạt boson W± và Z0 trong lý thuyết thống nhất tương tác yếu và tương tác điện từ.
Năm 1998, sau khi nghỉ hưu, giáo sư P. Darriulat sang Việt Nam sinh sống (Hiện ông sống tại Hà Nội). Tại đây ông đã thành lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, đào tạo các người nghiên cứu trẻ Việt Nam về vật lý tia vũ trụ, và lần đầu tiên đưa vật lý thiên văn hiện đại vào giảng dạy tại Đại học Quốc gia Việt Nam.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()